Công an Thanh Hoá đã đấu tranh, bắt giữ một số đối tượng mua bán thiết bị hiện đại dùng để "cờ bạc bịp", qua đó vạch trần chiêu trò lừa đảo của các sòng bài.
Sau một thời gian theo dõi, lập án đấu tranh, chiều tối 3.4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bất ngờ kiểm tra hành chính và phát hiện, bắt giữ một điểm bán thiết bị, dụng cụ “cờ bạc bịp” với số lượng lớn tại số nhà 25 phố Lê Hồng Sơn, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa do Lê Văn Hiền (sinh năm 1983) cùng vợ là Lê Thị Huệ (sinh năm 1990) làm chủ.
Tại đây, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Thanh Hóa đã phát hiện số lượng lớn thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc đánh bạc bịp, gồm: Hơn 2.500 bộ bài các loại đã được tẩm hóa chất, quét mã vạch và đánh dấu các hoa văn dùng cho các máy đánh bạc; 40 hộp kính áp tròng, kính đeo mắt nhìn thấu quân bài; 2 bộ dụng cụ ép bài; 28 bộ bát đĩa, quân vị có gắn chíp điện tử để điều khiển các đối tượng tham gia đánh bạc; 9 bộ bệ chôn dưới đất; 30 máy rung màu đen kiểu dáng điện thoại; 3 đồng hồ soi lá bài; 12 áo bên trong gắn máy đổi bài... cùng một số tang vật phục vụ việc chơi “cờ bạc bịp”.
Tại cơ quan Công an, Lê Văn Hiền khai nhận đã mua các dụng cụ, thiết bị này từ cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về Thanh Hóa bán để kiếm lời. Theo Hiền, mỗi loại thiết bị, dụng cụ dùng để hoạt động “cờ bạc bịp” này có giá tiền khác nhau từ 1 - 10 triệu đồng.
Trong suốt quá trình theo dõi đối tượng, một trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự cho hay, việc sản xuất, mua bán thiết bị “cờ bạc bịp” kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, nhiều gia đình bị khuynh gia bại sản, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ trọng án, đòi nợ, ném chất bẩn cũng xuất phát từ cờ bạc.
Khi một số con bạc sử dụng các phương tiện, công cụ “cờ bạc bịp” này thì sẽ trở thành người quyết định sự thắng - thua trong mỗi canh bạc. Các "đối thủ” chỉ có thua chứ không có thắng.
Nhiều đối tượng khi thua bạc càng "cay cú”, càng muốn gỡ gạc thì càng thua nặng. Thậm chí, khi biết mình bị lừa, bị đối thủ gian lận, dùng thiết bị "bịp”, nhưng vì việc đánh bạc là vi phạm pháp luật, nên các con bạc bị lừa không dám đến cơ quan Công an tố cáo, do đó đành chịu phần thiệt thòi.
Tùy từng thiết bị, công cụ càng hiện đại thì giá tiền càng cao. Chỉ cần sử dụng thành công các loại thiết bị này, các con bạc bị lừa đảo, móc túi trắng trợn mà không hề hay biết.
Cũng theo các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa thì hầu hết bộ bài bán để dùng “cờ bạc bịp” đều được quét các loại hóa chất dùng để phản quang có chứa chất phóng xạ, vượt từ 20-30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Xem thêm: odl.871698-pib-cab-oc-ib-teiht-nol-gnoul-os-uig-tab-aoh-hnaht/taul-pahp/nv.gnodoal