vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạo

2021-04-06 12:55
Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạo - Ảnh 1.

Kem dạo vẫn còn bán được cho một số em nhỏ ở TP.HCM nhưng phải đảm bảo vệ sinh - Ảnh: MẠNH DŨNG

Đất nước phát triển, các siêu thị, cửa tiệm đầy ắp hàng hóa và thùng kem lạnh. Tiếng chuông leng keng bán kem dạo dù không còn nhiều nhưng vẫn chưa hề bặt hẳn, kể cả ngay ở đường phố Sài Gòn hiện đại năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này...

Tiếng chuông bán kem dạo

Buổi trưa đầu tháng 4, con đường Trần Văn Giàu, Bình Tân dù có cơn mưa rào rải nước trái mùa nhưng vẫn nóng hầm hập như đổ lửa. Ông Trần Đình Bảo đạp chiếc xe ba gác bán kem dạo đứng nép mình, trú mưa một lát rồi lại dong xe ra đường. Ông kiếm bóng mát dưới tán cây xanh, rồi lắc chuông leng keng ngồi đợi khách. 

Một anh đạp xe lượm rác, vài cô công nhân ghé lại. Người chọn mua của ông cây kem tròn tròn dài dài như lóng trúc, người lại đòi kem bỏ trong chiếc bánh xốp hình cái phễu. Kem dừa, kem sầu riêng, kem chuối ông đều có, giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng một cây để giải khát buổi trưa oi bức.

Ông Bảo quê miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp nhưng thiếu ruộng vườn nên phải lên thành phố mưu sinh nhiều năm nay. Ông cùng vợ thuê nhà trọ, mua dụng cụ để vợ chồng làm kem tại nhà, rồi ngày ngày đạp xe chở đi bán. Nơi ông được khách gọi mua nhiều nhất là các khu vực chợ búa, hẻm dân lao động nhập cư và các nhà máy công nhân làm việc. Tuy nhiên, ngoài những giờ tan tầm, ông vẫn đạp xe bán dạo thêm trên các con đường ở quận 6, Bình Tân, Tân Phú.

"Có ngày lời được 300.000- 400.000 đồng, nhưng hầu hết chỉ ngót nghét cũng hai trăm ngàn. Mình bỏ công làm lời. Vợ chồng già cũng đủ sống qua ngày để khỏi làm nặng gánh con cái" - ông Bảo nhẹ nhàng tâm sự.

Người đàn ông nhiều năm sạm nắng gió bụi đường mưu sinh này kể thêm hồi trước ông bán nhiều hơn bây giờ. Gần đây có vẻ ngày càng ế dần vì các siêu thị, cửa tiệm sang trọng đã hút mất khách của ông. Cũng may là vẫn còn những cô công nhân, người dân lao động hẻm nghèo và đám trẻ "không chê" tiếng chuông leng keng lẫn trong lời rao khàn đục của ông. Một phần họ chọn xe kem dạo vì giá rẻ hơn siêu thị, phần vì tiện lợi có thể mua ăn ngay tại chỗ mà không phải đi đâu xa, rồi mất thời gian, tiền bạc gửi xe.

Những ngày viết bài này, tôi đã rong ruổi Sài Gòn để thử tìm lại tiếng chuông leng keng, lời rao "ai cà rem, cà rem" thân quen một thuở xem bây giờ thế nào. Thật kỳ lạ, ngay giao lộ Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sĩ - Cộng Hòa giữa giờ cao điểm đầu tháng 4 đông nghịt người mà tôi vẫn bất ngờ nghe tiếng chuông leng keng của người đàn ông bán kem dạo lẫn trong dòng người xe ồn ã. Chắc ông khó có thể bán cho ai ở đây. Tôi thử bám theo ông, theo tiếng chuông leng keng xuôi dần hết đường Cộng Hòa rồi Trường Chinh.

11h trưa, ông đi vào những con hẻm quanh khu chợ Lạc Quang, quận 12 và lúc này mới cất lời rao "kem dừa, kem dừa đây" lẫn trong tiếng chuông leng keng, leng keng. Tôi vẫn bám sau lưng ông. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua, chỉ có mấy người mua của ông những cây kem giá vài ngàn đồng. Tổng cộng không quá 20.000 đồng. Tôi cũng không hiểu số tiền đó có đủ để ông đổ xăng chiếc xe máy cũ kỹ chở thùng kem phía sau, nhưng gương mặt ông vẫn bình thản, nhẫn nại. Hình như ông đã quá quen với những ngày rong ruổi bụi đường, khói xe thế này...

Gần 15h chiều, ông dừng xe, gạt chân chống bên cầu vượt An Sương. Tuy nhiên, có lẽ ông không đợi khách ở đây mà chỉ để uống nước trong chai nhựa cột dây đeo ở đầu xe. 

"Tui quê ở Tri Tôn, An Giang, lên đây bán kem cũng được hơn chục năm. Từ hồi đi đường còn lạc tới lạc lui, giờ thì rành rẽ như lòng bàn tay rồi. Hỏi thùng kem này vốn nhiêu hả? 500.000 đồng. Vậy thôi, kem tự làm chứ đâu phải kem nhãn hiệu gì nổi tiếng mà mắc mỏ. Nhưng bảo đảm sạch sẽ, không đau bụng đâu nghen. Mình bán miếng ăn vô bụng mà để người ta đổ bệnh thì thất đức, đoạn hậu" - ông trò chuyện với tôi và tự giới thiệu mình là Năm Hậu, Nguyễn Văn Hậu, năm nay đã 63 tuổi.

Ông Năm Hậu kể nếu mình bán hết thùng kem này thì lời được khoảng 350.000 đồng, nhưng ngày bán hết bù ngày ế thì trung bình mỗi ngày ông chỉ kiếm được ngót nghét hơn 200.000 đồng. Số tiền đủ ông ở nhà trọ, ăn cơm bình dân.

"Nhiều nghề thấy nắng nóng thì kiếm chỗ mát làm, còn dân bán kem như tụi tui lại đi tìm chỗ nắng nóng nhất mới bán được" - ông Năm Hậu cười tâm sự và cho biết không hề nghĩ mình vất vả, "mần gì cũng đặng, miễn lương thiện và đủ sống, đừng mắc nợ nần là sướng rồi".

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạo - Ảnh 2.

Ông Bảo vẫn ngày ngày đạp xe ba gác đi bán kem tự làm - Ảnh: MẠNH DŨNG

Ngọt ngào vị kem đá một thời

Trò chuyện với tôi, ông Năm Hậu tâm sự thật ra mình đã có thời gian bán kem dạo gần 15 năm ở Sài Gòn, rồi đi kinh tế mới ở An Giang, và "duyên nợ" lại quay về với tiếng chuông leng keng. Đó là thời kỳ khó khăn sau năm 1975, ông còn là cậu thanh niên chưa vợ, đạp xe chở thùng kem đi bán khắp cùng đường phố, con hẻm Sài Gòn. Mà kem hồi đó cũng thua xa bây giờ, chỉ có đá đông và chút nước đường màu xanh, đỏ tạo vị ngọt. 

"Vậy chớ sắp nhỏ mê lắm nghe, nhiều bữa tui đạp xe qua rồi, tụi nó còn chạy đuổi theo để mua cho được. À mà sắp nhỏ đó chắc giờ cũng tầm tuổi cậu" - ông Năm Hậu cười cười chỉ tôi.

Đúng, đó là thời kỳ của những cậu bé như tôi, thời kỳ ổ bánh mì chan nước tương lẫn chút váng mỡ cũng ngon miệng, còn nghe tiếng chuông leng keng bán kem dạo thì chỉ nuốt nước miếng. Những năm đầu thập niên 1980, nhà tôi ở trong con hẻm như làng quê ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân bây giờ. Những buổi trưa hè oi ả, nếu không đi chơi với đám bạn, tôi có thú vui nằm đợi nghe... tiếng leng keng của ông bán cà rem dạo. Đó là ông già người Hoa đạp xe chở cái thùng kem cũ kỹ, nhỏ xíu phía sau. Cái chuông bằng đồng nhỏ như trái bình bát được ông đeo ở cổ xe đạp để lắc tay nghe leng keng, leng keng.

Mặc dù chỉ nghe từ xa tiếng chuông là đám nhỏ tụi tôi đã mừng rỡ, biết ngay xe kem, nhưng ông già người Hoa vẫn rao thêm bằng cái giọng lơ lớ "ai cà dem, cà dem...". Với lứa nhỏ tụi tôi thuở ấy thì không có cà rem, cũng không gọi cà dem, mà chỉ có cà lem, cà lem. Ngày nào tôi được ăn một cây kem đá tẩm nước đường cũng mừng húm, còn hai cây thì như ăn tiệc. Cái thời củi gạo thiết yếu cho sự sống còn thiếu thốn, nói gì cây kem giải khát. Thỉnh thoảng tôi được mẹ cho vài đồng đều dành hết cho ông bán kem người Hoa. Đám con cái bây giờ chỉ lè lưỡi, khó tin khi nghe chuyện hồi xưa tôi và đám bạn giành nhau mút một cây kem, đứa nào mút lâu còn bị cốc đầu vì cái tội tham ăn.

Qua những năm 1990, nhà tôi chuyển về con hẻm nhỏ ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, cũng là thời kỳ tiếng leng keng của người bán kem dạo vắng dần, vắng dần. Đất nước đổi thay, phát triển, tôi đi mua kem hộp sầu riêng, khoai môn, đậu xanh về múc ra tô lớn ăn đến phát ngán mà thi thoảng vẫn giật mình như nghe tiếng chuông leng keng vẳng lại đâu đây...

Lần ăn kem "miễn phí" nhớ đời

Tôi nhớ có lần ông già người Hoa đạp xe bán kem dạo bị rớt ổ gà, té lăn ra con hẻm đường đất những năm 1980. Thùng kem cũng tung tóe ra đường, nhưng đám nhỏ tụi tôi vẫn vội vã lượm lên rửa lại nước để ăn. Cây kem đá cắm que tre bự bằng ngón chân cái, rửa qua nước chỉ còn bằng ngón tay mà đám trẻ vẫn mút mát thòm thèm. Đó là lần hiếm hoi tụi tôi được ăn kem "miễn phí" nhớ đời. Ông già bán kem mặt buồn xo nhưng phải tặng không tất cả vì không thể lượm lại mớ kem đầy đất cát.

***************

"Nhiều lúc tui nghĩ mình bị trời hành hay sao mà cứ đạp xe đi khắp nơi kiếm nồi chảo đen thui, hư hỏng để kiếm sống khổ cực vậy".

>> Kỳ tới: Ai hàn nồi, hàn chảo không?

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 1: Ơi, hớt tóc dạo ơiNhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 1: Ơi, hớt tóc dạo ơi

TTO - Bác hớt tóc dạo, chú mài dao kéo, hàn dép nhựa, bơm mực bút bi, cô sửa quần áo rách, chạy 'chợ trời',... những nghề gắn bó thân thương của một thời bao cấp nghèo khó bây giờ ra sao?

Xem thêm: mth.70735511160401202-oad-mer-ac-gnek-gnel-2-yk-ohk-oehgn-ioht-oar-gneit-mal-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools