Đầu tư cơ sở hạ tầng - kế hoạch đầy tham vọng của Biden
Lạc Diệp
(KTSG Online) - Tổng thống Joe Biden vừa đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng: đầu tư hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ để hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trước khi có thể trở thành hiện thực.
Kế hoạch tham vọng
Theo Wall Street Journal, chương trình nghị sự đầy tham vọng của Tổng thống Biden nhằm tái thiết nền kinh tế Mỹ bao gồm hai giai đoạn: kích thích và đầu tư.
Giai đoạn một là gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỉ đô la, nhằm giúp vực dậy nền kinh tế vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thông qua các biện pháp kích cầu. Cho đến lúc này, chính quyền Tổng thống Biden có thể tạm hài lòng với kết quả: ngay khi những khoản tiền được chuyển tới tài khoản của người dân, kinh tế Mỹ đã đón nhận những tín hiệu tích cực về tăng trưởng.
Giai đoạn hai, vừa được chính quyền ông Biden bắt đầu triển khai hôm thứ Tư tuần trước, nghiêng về phía cung nhiều hơn. Giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ nâng cao năng suất của nền kinh tế thông qua việc đầu tư khoảng 2.300 tỉ đô la vào hệ thống cơ sở hạ tầng trong thập niên tới, bao gồm việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, giúp người dân có thể đi làm một cách thuận tiện hơn, hay tăng cường chất lượng Internet băng thông rộng tại khu vực nông thôn.
Theo các số liệu thống kê, chi tiêu của chính phủ liên bang cho cơ sở hạ tầng vật chất trong nước, hoạt động nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo đã giảm đều đặn kể từ những năm 1960 xuống chỉ còn 1-2% tổng sản phẩm quốc nội trong những năm gần đây. Tổng thống Biden đang muốn thay đổi xu hướng này bằng cách tăng đầu tư liên bang thêm 1% GDP trong vòng tám năm tới. Đề xuất của ông bao gồm 621 tỉ đô la để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, 300 tỉ đô la để thúc đẩy ngành sản xuất, 213 tỉ đô la để trang bị thêm và xây dựng nhà ở giá cả phải chăng và 100 tỉ đô la để mở rộng dịch vụ Internet băng thông rộng, cùng các khoản đầu tư khác.
Chính phủ Mỹ dự định sẽ chi trả cho kế hoạch này bằng việc tăng thuế đối với các tập đoàn trong vòng 15 năm, đảo ngược hầu hết các thay đổi luật thuế mà Đảng Cộng hòa đưa ra vào năm 2017. Đề xuất sẽ tăng mức thuế đối với các doanh nghiệp hàng đầu từ 21% lên 28%. Thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập trên 400.000 đô la/năm có thể lên tới 39%.
Những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2-4, Tổng thống Biden nói rằng nếu kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng được thông qua, nền kinh tế có thể được “bổ sung” 19 triệu việc làm, “những công việc tốt, những công việc kỹ thuật và những công việc được trả lương cao”. Nhận xét của ông Biden dựa trên một báo cáo được công bố mới đây bởi Moody’s Analytics, cho thấy rằng nền kinh tế sẽ có thêm 18,9 triệu việc làm trong thập niên tới nếu Quốc hội thông qua đề xuất của Tổng thống.
Trên thực tế, báo cáo của Moody’s Analytics chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bổ sung 16,3 triệu việc làm nhờ tăng trưởng việc làm tự nhiên và việc thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ đô la. Như vậy, kế hoạch cơ sở hạ tầng mới của Tổng thống sẽ tạo ra khoảng 2,6 triệu việc làm mới trong vòng mười năm tới.
Gói chi tiêu mới tập trung vào các mục tiêu kinh tế dài hạn, bao gồm sửa chữa cầu đường, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đầu tư mới vào công nghệ năng lượng sạch như trạm sạc xe điện. Những người ủng hộ cho biết, nguồn vốn cho các dự án sẽ được sử dụng trong tám năm và mặc dù lợi ích có thể đến chậm, chúng sẽ có tác động lâu dài, bao gồm việc cho phép nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn trong dài hạn, và nâng cao mức sống của người dân mà không gây ra những lo ngại về lạm phát.
“Chúng ta có thể phải chờ đợi vài năm trước khi các công ty bắt đầu thấy được lợi ích thực sự,” giáo sư kinh tế Karen Dynan tại Đại học Harvard, một cựu quan chức Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Obama, cho biết. “Nhưng tất nhiên, chúng ta sẽ phải xem xét toàn bộ vòng đời của cơ sở hạ tầng để thấy được hết lợi ích mà kế hoạch này mang lại trong dài hạn”.
Bà Dynan cũng cho biết kế hoạch của Tổng thống Biden có thể thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong năm tới, khi các công ty thuê nhân công cho các dự án xây dựng mới hoặc sửa chữa và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này có thể mang lại lợi ích cho nhiều người lao động tay nghề thấp, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, kế hoạch tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng đồng nghĩa với việc một số công việc mới có thể sẽ yêu cầu người lao động có kỹ năng cao hơn, và cần tới sự hỗ trợ của chính phủ trong công tác đào tạo. “Điều quan trọng là phải chuẩn bị các nguồn lực để đào tạo người lao động”, bà Dynan nói. “Đó cũng là một khoản đầu tư, giống như cơ sở hạ tầng”.
Bình luận về kế hoạch này, ông Sadek Wahba, người sáng lập công ty đầu tư cơ sở hạ tầng I Squared Capital cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một kế hoạch toàn diện thực sự có thể tạo ra thay đổi cơ bản về năng suất lao động của người Mỹ. Cơ hội thực sự đã đến. Nếu không thể làm điều đó ngay bây giờ, tôi sẽ vô cùng bi quan về khả năng duy trì năng suất lao động của chúng ta trong thập kỷ tới”.
Một luận điểm khác mà chính quyền ông Biden đưa ra để lôi kéo sự ủng hộ cho kế hoạch hạ tầng khổng lồ là nỗi lo về việc Mỹ có thể bị Trung Quốc vượt qua. “Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn chúng ta rất nhiều, vì kế hoạch của họ là nắm bắt được tương lai”, ông Biden nói trong một bài phát biểu mới đây.
Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm này của Tổng thống Biden, cho rằng Mỹ đã chậm trễ nhiều trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Một báo cáo mới đây của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ (ASCE) dành cho hạ tầng của Mỹ điểm C-. Theo tổ chức này, Mỹ đứng trước nguy cơ thiếu hụt đầu tư hạ tầng lên tới 2.600 tỉ đô la trong mười năm tới. Báo cáo nhận định, việc tiếp tục thiếu vắng sự đầu tư đầy đủ cho cơ sở hạ tầng sẽ khiến Mỹ mất 3 triệu việc làm và 10.000 tỉ đô la GDP trong thời gian từ nay đến năm 2039.
Những lo ngại về việc tăng thuế
Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden được dự báo sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đảng Cộng hòa, và cả các doanh nghiệp lớn - đối tượng sẽ phải gánh chịu mức tăng thuế để bù đắp cho các khoản chi mới.
Sau khi đề xuất được công bố, Phòng Thương mại Mỹ ngay lập tức cho biết họ ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, nhưng khuyến nghị rằng các biện pháp này nên được tài trợ ít nhất một phần bằng thuế xăng dầu, chứ không phải thông qua việc tăng thuế đối với các công ty.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc tăng thuế do chính quyền đề xuất, bởi điều này sẽ làm chậm sự phục hồi kinh tế và khiến Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu - điều này đi ngược lại hoàn toàn với các mục tiêu của kế hoạch cơ sở hạ tầng”, ông Neil Bradley, Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ cho biết.
Theo một quan chức cấp cao, nếu được trải đều trong tám năm, số tiền đầu tư sẽ rơi vào khoảng 250 tỉ đô la/năm, tương đương khoảng 1% GDP. Trong khi đó, việc tăng thuế sẽ mang lại khoảng 125 tỉ đô la, tương đương 0,5% GDP mỗi năm. Khoảng cách giữa chi tiêu và thu ngân sách trong thập niên tới sẽ khiến thâm hụt ngân sách của chính phủ tăng lên, ít nhất là tạm thời.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell hồi tuần trước cho biết kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden là “lớn và táo bạo”, nhưng sẽ dẫn tới việc tăng thuế và tăng nợ công. Ông cam kết sẽ đấu tranh với kế hoạch này “từng bước một”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roy Blunt hôm Chủ nhật đã kêu gọi Tổng thống Biden thu hẹp đáng kể kế hoạch này nếu ông muốn các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ủng hộ. “Nếu chúng ta nhìn lại và xem xét những con đường, cầu, bến cảng và sân bay, thậm chí có thể cả hệ thống nước ngầm và băng thông rộng, sẽ chỉ cần tới một mức chi trả bằng chưa đầy 30% gói kế hoạch này”, ông Blunt chia sẻ với Fox News. Theo vị thượng nghị sĩ, một gói đầu tư khiêm tốn hơn, với giá trị khoảng 615 tỉ đô la sẽ dễ dàng được một số thành viên đảng Cộng hòa thông qua hơn.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker của bang Mississippi cùng một số chính trị gia khác đang cố gắng hướng sự chú ý của dư luận đến kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Biden. “Những gì Tổng thống đề xuất không phải là một dự luật cơ sở hạ tầng, đó là một khoản tăng thuế rất lớn”, ông Wicker nói với NBC. Tại Mỹ, việc tăng thuế luôn phải đi đôi với việc vận động sự ủng hộ của cử tri và là một biện pháp có nhiều rủi ro chính trị. Bởi vậy, kể từ chương trình tăng thuế quy mô lớn của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 đến nay, Mỹ chưa có một đợt tăng thuế nào khác tương tự.
Nhiều quan chức trong chính quyền ông Biden đã lên tiếng bảo vệ chủ trương này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh việc lãi suất và lạm phát ở Mỹ đều đang ở mức thấp, xem đây là lý do để không phải quá lo lắng về chuyện vay nợ. Theo bà, hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ lạm phát leo thang, và cho dù lạm phát có tăng thật thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có đủ công cụ để kiềm chế. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm hôm Chủ nhật cho biết, Tổng thống Biden sẽ vẫn thúc đẩy gói cơ sở hạ tầng của mình mà không cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp phía đảng Cộng hòa, trong trường hợp kế hoạch này không đạt được sự đồng thuận giữa lưỡng đảng.
Đầu tư sẽ không dễ dàng như kích thích
Trong khi các biện pháp đầu tư có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Mỹ, việc phát huy hết hiệu quả của số tiền bỏ ra, sẽ không hề đơn giản. “Điều này sẽ phụ thuộc vào cách thức đầu tư”, chuyên gia kinh tế Alan Auerbach tại Đại học California nhận định về khả năng tác động của gói kinh tế mới đối với tăng trưởng trong dài hạn. “Bất cứ yếu tố nào có thể khiến người lao động và các doanh nghiệp tư nhân tăng năng suất, đều có thể mang lại tác động tích cực”.
Một số nhà quan sát cho rằng, một số bộ phận của gói đầu tư mới sẽ không có nhiều tác dụng trong việc nâng cao năng suất và thay đổi quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Ví dụ như việc xây dựng các tuyến đường giao thông mới. Trong số các khoản đầu tư liên bang, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thường mang lại nhiều lợi ích nhất cho nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Daniel Leff Yaffe tại Đại học California, mỗi đô la chi tiêu cho hệ thống đường cao tốc giữa các tiểu bang trong những năm 1950 và 1960 đã tạo ra khoảng 2,5 đô la sản lượng kinh tế nhờ việc thu hút đầu tư tư nhân và nâng cao sản lượng.
Tuy nhiên, với kế hoạch của Tổng thống Biden, mức lợi nhuận sẽ giảm đáng kể, “bởi các tuyến đường liên bang hoặc cao tốc mới xây dựng tại Mỹ hiện nay có khả năng tạo ra ít năng suất hơn”. Bên cạnh đó, việc ưu tiên sử dụng các vật liệu sản xuất tại Mỹ và lao động công đoàn cũng sẽ làm giảm tính cạnh tranh về mặt chi phí, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế thị trường.
Theo ông Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ, một tổ chức nghiên cứu có tư tưởng thiên tả và là cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, khoản đầu tư 180 tỉ đô la cung cấp cho nghiên cứu và phát triển là có lợi, nhưng nhiều khả năng sẽ không đủ lớn để thay đổi quỹ đạo của sự đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, việc tăng chi tiêu cho các công nghệ năng lượng sạch và chăm sóc người già và người khuyết tật có thể đáng giá nhưng không đóng nhiều vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Do đó, ông Holtz-Eakin nhận định: “Tôi không nghĩ rằng đây là một gói đầu tư có thể hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế”.
Quan trọng hơn, lợi ích mà kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden mang lại không chỉ phụ thuộc vào cách chi tiêu mà còn vào cách tài trợ cho nó. Đề xuất tăng thuế doanh nghiệp của ông Biden được cho là có thể làm giảm đầu tư tư nhân, và khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng ra thị trường nước ngoài. Điều này sẽ khiến kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng của Washington trở nên phức tạp hơn trong thực tế.
Nguồn: WSJ, Reuters, CNBC, Bloomberg
Xem thêm: lmth.nedib-auc-gnov-maht-yad-hcaoh-ek--gnat-ah-os-oc-ut-uad/291513/nv.semitnogiaseht.www