vĐồng tin tức tài chính 365

Lo ngại đầu tư 'núp bóng' trong ngành xuất khẩu gỗ

2021-04-07 03:08

Lo ngại đầu tư 'núp bóng' trong ngành xuất khẩu gỗ

Lê Hoàng - Thuận Hải

(KTSG Online) - Dù chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang nắm đến 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Sự vượt trội của các doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp nội cũng kéo theo những lo ngại về việc mặt hàng chế biến gỗ có rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ bởi tình trạng đầu tư chui, núp bóng, đặc biệt sau thương chiến Mỹ - Trung.

Chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng khối doanh nghiệp FDI lại đang nắm đến 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng cao

Bất chấp các tác động tiêu cực của dịch bệnh do Covid-19, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam vẫn ghi nhận kim ngạch tăng hơn 16% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng cao, ước đạt tổng kim ngạch 3,69 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả tăng trưởng giữa khủng hoảng toàn cầu này, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý trở thành quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 sang Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam dần tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chia sẻ rằng đơn hàng từ thị trường Mỹ gia tăng vào những tháng cuối cùng của năm 2020 và các tháng đầu năm nay.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, có không ít ý kiến lo ngại ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng” của một số nhà đầu tư ngoại, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại.

Ông Nguyễn Thanh Được, Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Dầu Tiếng, chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ có tiềm lực, cả về tài chính lẫn công nghệ, mạnh hơn so với nhiều doanh nghiệp nội địa. Và ông Được cũng nghe nhiều thông tin về việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư núp bóng vào ngành gỗ để lẫn tránh thuế khi xuất khẩu sang nước ngoài. Điều này khiến doanh nghiệp nội địa hoang mang vì tạo ra nhiều rủi ro cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Do đó, theo ông Được, cơ quan chức năng cần có thông tin cụ thể, ngăn chặn những rủi ro không đáng có có thể xảy ra đối với ngành gỗ.

Trao đổi về vấn đề này với KTSG Online, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cũng cho rằng việc kim ngạch xuất khẩu ngành tăng cao giữa dịch bệnh là do đơn hàng nhập khẩu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Phương cũng có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ nhằm né thuế Mỹ áp cao với sản phẩm từ Trung Quốc. Hiện tượng này xảy ra theo ông Phương là kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra.

Có trường hợp một số nhà đầu tư rót vốn vào ngành này của Việt Nam chỉ thực hiện những công đoạn giản đơn, không đầu tư dây chuyền máy móc quy chuẩn để hoạt động lâu dài mà chủ yếu chủ yếu đưa sản phẩm từ Trung Quốc đến lắp ráp rồi cho xuất khẩu. Và cũng có hiện tượng nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp gỗ trong nước để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước.

Tuy nhiên, để đưa ra những bằng chứng cụ thể về lượng doanh nghiệp đầu tư chui hoặc đầu tư núp bóng như thế nào thì theo người đại diện của HAWA cần phải có cuộc điều tra cụ thể từ nhiều đơn vị, cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp trong ngành.

Sản xuất của một doanh nghiệp gỗ. Ảnh minh họa: TL.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, bối cảnh xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ theo đà tăng lên, trong khi nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc cũng tăng lên đã và đang đặt xuất khẩu gỗ Việt trước nhiều rủi ro, nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Rủi ro này sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của ngành trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp hợp tác với các đối tác tiếp tục theo sát tình hình và cần đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả hơn nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ.

Nỗi lo ngại về tình trạng đầu tư "núp bóng"

Mới đây, báo điện tử VietnamPlus có bài viết dẫn nguồn từ đại diện Tổ chức Forest Trends rằng, mặt hàng chế biến gỗ có rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ bởi tình trạng đầu tư núp bóng. Hiện các doanh nghiệp FDI đang vượt trội các doanh nghiệp nội.

Theo tờ báo này, để tạo thực thể thống nhất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cần môi trường cơ chế, chính sách phù hợp và nên cho phép doanh nghiệp FDI là thành viên chính thức của các hiệp hội gỗ, qua đó, các ý kiến của doanh nghiệp FDI được lắng nghe để có chính sách bao quát hơn.

Trước thông tin và đề xuất này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý thông tin đăng trên Báo điện tử VietnamPlus.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cho KTSG Online biết, ông cũng vừa nhận được công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét đề nghị của Forest Trends, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các hiệp hội ngành gỗ.

Theo ông Tuấn, luật không cấm các doanh nghiệp FDI tham gia vào các hiệp hội ngành hàng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không can thiệp vào việc các doanh nghiệp này có muốn vào hay không mà chỉ có thể khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia.

Tuy nhiên, việc đồng ý hay không đồng ý một đơn vị nào đó tham gia vào hiệp hội ngành hàng là thỏa thuận giữa các thành viên của từng hiệp hội, ở đây là Hiệp hội gỗ, mỹ nghệ của các địa phương.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chánh Phương của HAWA, đề xuất cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các hiệp hội ngành gỗ với vai trò là thành viên chính thức là sẽ không ổn vì hai khối doanh nghiệp có định hướng, mục tiêu chiến lược khác nhau, sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích.

Nếu cần phải có sự góp ý, đóng góp ý kiến từ phía doanh nghiệp FDI, theo ông Phương thì cần có một hội đồng phát triển cho ngành.

Riêng về vấn đề có ý kiến phản ánh gần đây, xảy ra tình trạng doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc đầu tư núp bóng vào ngành gỗ, gây rủi ro về pháp lý cho các các sản phẩm gỗ Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết cơ quan Bộ có nhận được thông tin này.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, những phản ảnh này chưa có thông tin cụ thể. Do đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đang đợi kết quả tổng hợp ý kiến, thông tin từ các cơ quan ban ngành, sau đó mới đưa ra hướng xử lý cụ thể. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm trong lĩnh vực gỗ, lâm sản nhằm đảm bảo ngành gỗ phát triển bền vững, ổn định, ông Tuấn nói.

Trên thực tế, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tình trạng đầu tư núp bóng diễn ra khi một số công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Mỹ.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các mức thuế mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đầu tư núp bóng cũng xảy ra dưới hình thức các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng, nhân công, người quản lý của Việt Nam, nhập khẩu các bộ phận của đồ gỗ từ Trung Quốc sau đó thực hiện lắp ráp các bộ phận này tại Việt Nam trước khi xuất khẩu đi Mỹ.

Hoạt động chế biến gỗ tại một doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Đầu tư từ Trung Quốc đang dẫn đầu

Theo một nghiêu cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) được công bố gần đây dù nguồn vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ trong năm 2020 vừa qua sụt giảm, nhưng số dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng chiếm đa số. Cụ thể trong năm 2020, có 63 dự án FDI mới với tổng vốn là 372,68 triệu đô la Mỹ.

Các dự án đầu tư vào ngành gỗ này đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… Đáng chú ý, quy mô vốn bình quân của mỗi dự án FDI đăng ký trong năm qua ở mức khoảng 5,91 triệu đô la, giảm 19% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, dù Trung Quốc có 23 dự án chiếm 37% về số dự án, nhưng chỉ chiếm 14% số vốn đầu tư, đạt 52,23 triệu đô la. Điều này cho thấy dù nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều đến ngành gỗ trong nước nhưng quy mô vốn bình quân  khá thấp. Những dự án này chủ yếu làm các sản phẩm sofa, tủ nhà tắm, phụ liệu ngành gỗ, bọc đệm, da, công cụ.

Đây là các mặt hàng mà theo giới quan sát chứa đựng các yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ. Trên thực tế, trong những năm gần đây, đáng chú ý là bắt đầu từ thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra, tình trạng đầu tư núp bóng... của nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong ngành, mang lại những rủi ro rất lớn cho ngành. Bởi lẽ Mỹ trong những năm qua luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho ngành gỗ Việt Nam, chiếm trên 50%.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp khối FDI tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo, dù khối doanh nghiệp FDI có 653 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu, chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng lại đạt kim ngạch đến 6 tỉ đô la, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

So sánh với con số hơn 2.670 doanh nghiệp với 5,9 tỉ đô la về kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa cho thấy các doanh nghiệp FDI đã vượt xa doanh nghiệp nội địa về quy mô xuất khẩu.

 

Xem thêm: lmth.-og-uahk-taux-hnagn-gnort-gnob-pun-ut-uad-iagn-ol/091513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lo ngại đầu tư 'núp bóng' trong ngành xuất khẩu gỗ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools