EVN phấn đấu hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần
Lan Nhi
(KTSG Online) - Chiến lược phát triển của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến 2030 là kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có lãi, với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần.
Hiện nay, EVN là chủ đầu tư khoảng 40% tổng nguồn phát điện trong toàn hệ thống, phần còn lại là của các nhà đầu tư độc lập (IPPP) và BOT. Ảnh minh họa: TTXVN |
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển của EVN đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, EVN vẫn tiếp tục là tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Mục tiêu đề ra của EVN là kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm có hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần. Tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%. Khả năng thanh toán ngắn hạn lớn hơn hoặc bằng 1 lần.
Đây là các chỉ số phấn đấu thể hiện bức tranh tài chính lành mạnh của doanh nghiệp. Nó được đặt ra trong bối cảnh, đến hết năm 2018, tập đoàn này còn số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng lên đến 117.551 tỉ đồng, theo Báo cáo tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi Quốc hội năm 2019.
Còn riêng năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, tài chính, đảm bảo công ty mẹ và các đơn vị cấp dưới kinh doanh đều có lãi. Theo đó, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.572 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Nộp ngân sách 27.800 tỉ đồng.
Vẫn theo chiến lược của EVN, mục tiêu là tập đoàn sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi vào năm 2025. Nâng cao chất lượng phân phối điện năng và dịch vụ khách hàng; hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Phấn đấu đến năm 2025 trở đi nằm trong nhóm các nước ASEAN-3 về dịch vụ khách hàng và duy trì vị trí này trong suốt giai đoạn đến 2045.
Cũng theo định hướng đến năm 2045, EVN đầu tư phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Đầu tư phát triển hệ thống điện phải đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện năng, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo. Tiếp cận công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường. Rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng giai đoạn.
Vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, tin cậy, hợp lý, đáp ứng các quy định về điều kiện của các cấp độ thị trường điện Việt Nam. Đảm bảo chi phí sản xuất và chi phí mua điện hợp lý, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường điện.
Tập đoàn cũng phải đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các doanh nghiệp khác; đủ khả năng thu xếp vốn đầu tư cho nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện theo kế hoạch.
Hiện nay, EVN là chủ đầu tư khoảng 40% tổng nguồn phát điện trong toàn hệ thống, phần còn lại là của các nhà đầu tư độc lập (IPPP) và BOT. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoài EVN đều phải thực hiện việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện qua EVN - nơi thay mặt nhà nước mua lại và phân phối điện đến tay người tiêu dùng.
Xem thêm: lmth.nal-3-noh-ohn-uuh-os-uhc-nov-nert-art-iahp-on-os-eh-uad-nahp-nve/102513/nv.semitnogiaseht.www