Ngày 6-4, TAND huyện Hóc Môn, TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Vũ Hoàng Đức (sinh năm 1994, ngụ TP.HCM) một năm hai tháng mười tám ngày tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Mức án trên bằng thời gian tạm giam nên bị cáo được trả tự do ngay tại tòa.
Bị cáo Đức tại tòa. Ảnh: CÙ HIỀN
Trước đó, Đức bị truy tố về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi và phân tích các tình tiết trong vụ án, HĐXX nhận thấy đủ cơ sở chứng minh hành vi của Đức cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Do đó, HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS, đổi tội danh từ cướp tài sản sang cưỡng đoạt tài sản và tuyên án như trên.
Theo cáo trạng, Đức là chủ đại lý chuyên bỏ mối cà phê cho các tiệm tạp hóa. Đức thuê một kho ở xã Đông Thạnh để chứa hàng và mướn Phạm Trường Tài cùng một số người làm thuê cho mình. Trong đó, Tài có nhiệm vụ lái ô tô đi giao và lấy hàng.
Tối 16-1-2020, Đức cùng một số nhân viên phát hiện mất ba thùng cà phê tại kho (mỗi thùng trị giá hơn 1,8 triệu đồng). Mọi người xem lại camera thì thấy Tài lấy một thùng hàng bỏ lên ô tô chở đi.
Đến 21 giờ 40 cùng ngày, Tài lái ô tô về kho. Đức hỏi thì Tài không nhận dù được xem lại camera cùng các nhân viên của đại lý.
Do nghĩ Tài lấy hàng mà không chịu nhận, Đức bực tức đánh Tài 3-4 cái. Đánh xong, Đức yêu cầu Tài để lại xe máy cùng giấy phép lái xe hạng C.
Tài nghe theo rồi đi bộ tới Công an xã Đông Thạnh trình báo vụ việc. Đến trưa 18-1, Đức mang chiếc xe này đến công an xã giao nộp và bị giữ lại.
Tại tòa, bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố không đúng hành vi của mình. Bị cáo giữ lại tài sản và giấy tờ của Tài để làm rõ việc mất hàng. Nếu không làm rõ được, bị cáo sẽ vẫn trả lại cho Tài chứ không có ý định chiếm đoạt. Bị cáo cho rằng mình không có tội.
Tuy nhiên, bị hại cho rằng bị cáo không có ý định trả lại tài sản nên mới báo công an.
Bị cáo khai mình là người đánh Tài, ngoài ra không còn ai khác đi cùng vào kho.
Tuy nhiên, tại tòa, hai nhân chứng trong vụ án đều khẳng định Đức đưa bốn người lạ vào kho. Thấy vậy, cả hai đứng nép vào phía sau xe tải trong kho, có nghe tiếng cự cãi giữa Đức và Tài, nghe tiếng đánh, lúc sau nhìn thấy Tài ngồi ôm đầu, nhưng không biết ai đánh Tài.
Luật sư bào chữa cho rằng Đức còn nợ bị hại 7 triệu đồng tiền lương, trong khi 1 bao hàng chỉ có giá trị 2 triệu đồng. Bị cáo hoàn toàn có quyền trừ vào tiền lương còn thiếu của Tài chứ không cần thiết phải giữ lại xe và giấy tờ.
Do đó, việc bị cáo giữ xe để ngày hôm sau giải quyết không thể xem là động cơ cưỡng đoạt tài sản, cũng không đủ cơ sở xác định bị cáo phạm tội cướp tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản không có, thì không thể có cấu thành hình thức phạm tội.
Bị hại từ chối giám định, do đó không có căn cứ xác định thân thể của Tài bị Đức xâm phạm.
Theo luật sư, VKS cho rằng bị cáo đã dùng số đông làm cho nạn nhân tê liệt ý chí nhưng trong hồ sơ không thể hiện bốn người đi cùng bị cáo là ai, chỉ thể hiện trên lời khai của bị hại. VKS không thể dựa vào bản ghi âm lén của Tài khi đang ở cùng Đức bởi bản ghi âm này không hợp pháp.
Do đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do tại tòa. Tuy nhiên, HĐXX đã bác bỏ quan điểm này.