Máy bay của các hãng hàng không đáp và chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia hàng không)
Không chỉ kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay mà Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cả ngành hàng không lẫn giới chuyên gia đều không đồng tình, cho rằng không thể cầu cứu can thiệp hành chính vào giá cả và cần tôn trọng cơ chế thị trường.
Chị Thanh Tuyền - chủ tiệm may thời trang tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) - cho biết sau 1 năm đại dịch, người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đi lại cũng cân đo đong đếm giá vé máy bay để chọn lựa. Nếu áp giá sàn vé máy bay, người dân sẽ mất cơ hội để săn vé rẻ mà các hãng đưa ra để đi du lịch.
"Do có nhiều quan điểm khác nhau, tôi cho rằng Cục Hàng không (Bộ GTVT) nên đứng ở vai trò là trọng tài để lấy ý kiến, thảo luận, lắng nghe các hãng bay và đưa ra chính sách tốt cho các hãng nhằm mang lợi ích cho xã hội.
Ông Vũ Đức Biên (tổng giám đốc Vietravel Airlines)
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lo ngại mất cơ hội vé rẻ
Tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, VNA kiến nghị tăng mức giá trần 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Bên cạnh đó, VNA tiếp tục đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo hãng được cấp hơn 50% lượng slot bay (khung giờ cất hạ cánh) và thương quyền được phân bổ. Hãng cũng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, đồng thời xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.
Thời gian qua, sự cạnh tranh sôi động của 6 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airines, Vietravel Airlines và VASCO... đã giúp người dân có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ, phù hợp với thu nhập của đa số khách hàng.
"Khi có hãng bay mới ra mắt, tôi mừng lắm vì sẽ có thêm lựa chọn để đi lại và so sánh giá cả. Hãng nào có giá rẻ hay dịch vụ tốt để khách chọn. Vì vậy, nếu giá sàn áp dụng thì chắc chắn vé máy bay sẽ tăng cao hơn trước, làm mất cơ hội vé rẻ, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng" - chị Thanh Tuyền chia sẻ.
Không chỉ chị Tuyền, nhiều người dân cũng tỏ ra lo ngại việc tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của đông đảo người dân khi mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp.
Hơn nữa, số lượng các hãng hàng không còn ít so với nhu cầu đi lại đang tăng nhanh, do đó nếu để các hãng tăng giá trần và áp giá sàn thì rất có thể xảy ra tình huống các hãng sẽ bắt tay làm giá trong giai đoạn cao điểm để "bắt chẹt" người tiêu dùng.
Không có sự bình đẳng
Trước thông tin của VNA đề xuất tăng giá trần, đặc biệt là áp giá sàn vé máy bay, một lãnh đạo hãng bay trong nước cho rằng áp giá sàn là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu, làm khó cho các hãng bay khác.
Vậy Việt Nam có thể làm gì để kích cầu và duy trì nhu cầu đi lại, du lịch trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay? Việt Nam chưa đạt được mức sống quá cao để lúc nào cũng có sẵn nguồn nhu cầu đi lại, mà vẫn cần phải có chất xúc tác kích cầu, vậy chất xúc tác là gì?
Theo vị này, nghiên cứu tiêu dùng cho thấy yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia.
Bây giờ nếu giá vé nâng lên thì sẽ có ai đi và ngành hàng không, du lịch có phát triển và phục hồi được không? Phải nghĩ giải pháp để khôi phục kinh tế. Ở Việt Nam, các hãng đang phải chủ động tìm kiếm giải pháp cho mình, như Vietjet hợp tác với Vingroup để xây dựng các gói khuyến mãi cho dân đi du lịch.
Qua đó để thấy rằng, bất kỳ đề xuất nào liên quan đến chính sách chung cũng phải tốt cho đất nước nói chung chứ không phải chỉ cho bản thân doanh nghiệp.
"Đã tham gia vào thị trường thì phải nghĩ đến quyền lợi chung của khách hàng và nền kinh tế. Nhìn ở góc độ kinh tế, muốn phục hồi thì phải có ngân sách. Không có ngân sách thì phải có sự hợp tác của các thành phần kinh tế, chứ không nên cắt các chương trình kích cầu. Áp giá sàn chính là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất của VNA về giá sàn, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Hãng Bamboo Airways - cho rằng nếu đã có giá trần thì cũng nên có giá sàn. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Biên - tổng giám đốc Vietravel Airlines, khi vận hành theo cơ chế thị trường, không nên can thiệp áp giá sàn hoặc giá trần, tất cả là do thị trường điều tiết.
Theo ông Biên, mỗi hãng có mô hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác nhau, số lượng đội tàu to nhỏ cũng khác nhau nên việc áp dụng giá sàn sẽ thực hiện thế nào cho công bằng.
Nếu áp dụng giá sàn đều nhau, ông Biên cho rằng hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines sẽ chiếm ưu thế. Giá sàn bằng nhau, không có sự chênh lệch về giá quá nhiều nên hành khách không dại gì mà chọn đi hàng không giá rẻ, chính lúc này đã xảy ra việc không bình đẳng.
Phải vì lợi ích chung
Khách mua vé máy bay của VNA ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.
Câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay vừa được "xới" lại khi VNA kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay. Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng cần phải nhìn toàn diện vấn đề, có sự thống nhất chung của các hãng và quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.
Lãnh đạo VNA cho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá và cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là cho phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.
Theo VNA, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.
Bình luận về lý do trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng VNA đang "nhầm vai" của cơ quan quản lý nhà nước khi lo cho "sức khỏe" của các hãng khác. Ông Tống cho rằng khi VNA tái đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn máy bay thì thực tế đây chỉ là kiến nghị riêng của VNA, quá vô lý và vi phạm luật cạnh tranh.
Ông Tống cho biết khi áp dụng giá sàn tức là sẽ không còn vé 0 đồng, 49.000 đồng... để người dân chọn lựa giá rẻ để di chuyển bằng đường hàng không. Hãng bay bán giá thấp không có nghĩa là họ đang phá giá. Trên một chuyến bay, hãng bay linh hoạt tính toán lượng ghế bán ra giá cao, vài ghế giá khuyến mãi để cân đối thu chi, bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn có lãi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu những đòi hỏi của VNA được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.
Một chuyên gia kinh tế cho biết các hãng bán vé thấp hơn nhưng không lỗ thì không phải bán phá giá. Giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do COVID-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính... cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam:
Đề xuất áp giá sàn là không thuyết phục
Tôi không tán thành với đề xuất của VNA áp giá sàn vé máy bay bởi vì đề nghị này chỉ bảo hộ ngành hàng không thôi chứ không chú ý đến quyền lợi của khách hàng, trong điều kiện ngành hàng không đã có cạnh tranh giữa các hãng thuộc các thành phần kinh tế.
Còn căn cứ mà VNA đề xuất giá sàn vé máy bay là lo ngại cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cạnh tranh được điều chỉnh bằng Luật cạnh tranh.
Còn anh cho rằng có cạnh tranh không lành mạnh thì phải đánh giá tổng kết được doanh thu có được bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ hay không. Như vậy mới kết luận được cụ thể là như thế nào. Còn chỉ nói là nếu không có giá sàn khiến khả năng các hãng cạnh tranh không lành mạnh thì không thuyết phục.
Còn về tăng giá trần thì VNA cũng phải chứng minh được các yếu tố đầu vào thay đổi tác động làm cho giá thành tăng lên. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý, người dân đánh giá mức tăng giá trần có hợp lý hay không. Còn nếu tự tăng giá trần mà không lý giải nguyên nhân do chi phí tác động thì không được.
Nhà nước đang có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không như giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay từ giữa năm 2020 đến hết năm nay. Đặc biệt, riêng VNA còn được các ngân hàng cho vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc đề xuất tăng trần giá vé của VNA trong bối cảnh hiện nay cần xem xét lại.
L.THANH
Thăm dò ý kiến
Hãng hàng không Vietnam Airlines kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết Vietnam Airlines đã có cuộc làm việc với Cục Hàng không Việt Nam - kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.