Trang Focus Taiwan đưa tin một tàu khu trục của Hải quân Mỹ ngày 7-4 đã đi qua eo biển Đài Loan, đánh dấu lần thứ tư hải quân Mỹ điều tàu chiến qua khu vực này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh phía Đài Loan cho biết 15 máy bay chiến đấu của Trung Quốc cùng ngày đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56). Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo thông báo của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56) đã "di chuyển qua eo biển Đài Loan như thường lệ" vào ngày 7-4 "theo luật pháp quốc tế".
"Việc di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” - thông báo nêu rõ.
Trong khi đó, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan xác nhận tàu khu trục Mỹ đã đi qua khu vực eo biển Đài Loan, song không nêu cụ thể tên con tàu.
"Một tàu khu trục của Mỹ đã đi từ phía nam lên phía bắc qua eo biển Đài Loan" - Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng đã theo dõi hoạt động của con tàu và tình hình khu vực xung quanh vẫn bình thường trong quá trình này.
Theo tờ South China Morning Post, quân đội Trung Quốc hôm 7-4 xác nhận đã theo dõi hoạt động di chuyển qua eo biển Đài Loan của tàu khu trục Mỹ, cáo buộc động thái này “gây bất ổn cho khu vực”.
“Việc Mỹ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và thông báo công khai hành động này là một thủ đoạn cũ nhằm 'thao túng' tình hình xuyên eo biển” - Thượng tá Zhang Chunhui, phát ngôn viên của Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó" - ông Zhang nhấn mạnh.
Trước đó, Hải quân Mỹ đã ba lần điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1, bao gồm hoạt động của tàu khu trục tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) ngày 25-2, tàu khu trục USS John S. McCain (DDG 56) vào ngày 4-2 và tàu USS John Finn (DDG 113) vào ngày 10-3.
15 máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan
Theo trang Taiwan News, động thái tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan được đưa ra hôm 7-4 trong bối cảnh Đài Loan cho biết tổng cộng 15 máy bay chiến đấu của Trung Quốc cùng ngày đã xâm nhập ADIZ của hòn đảo này.
Theo thông báo từ phía Đài Loan, các máy bay Trung Quốc hôm 7-4 gồm tám máy bay chiến đấu đa năng J-10, bốn máy bay chiến đấu đa năng J-16, hai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một máy bay chống ngầm Y-8.
máy bay chiến đấu đa năng J-10. Ảnh: AP
Phản ứng trước động thái trên, ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) - người đứng đầu Cơ quan đối ngoại Đài Loan - hôm 7-4 tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn sẵn sàng tự vệ và sẽ chiến đấu nếu chúng tôi cần phải chiến đấu”.
"Và nếu chúng tôi cần tự bảo vệ mình đến ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình đến ngày cuối cùng" - ông Ngô nhấn mạnh.
Lực lượng phòng không Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu, phát cảnh báo vô tuyến yêu cầu các máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực, đồng thời triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của các máy bay Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định việc Trung Quốc triển khai dàn máy bay chiến đấu xâm nhập ADIZ của Đài Loan có liên hệ với động thái tàu sân bay Liêu Ninh của Bắc Kinh di chuyển xuống phía nam trước đó.
Phát biểu trước các động thái của máy bay quân sự Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 7-4 nói với các phóng viên rằng: “Tất nhiên chúng tôi đã hết sức lưu ý về phương thức và nỗ lực đe dọa của Trung Quốc đang diễn ra trong khu vực, bao gồm bối cảnh của Đài Loan”.
“Để thúc đẩy chính sách lâu đời của Mỹ, như được phản ánh trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ sẽ duy trì khả năng chống lại bất kỳ lực lượng nào hoặc các hình thức cưỡng ép khác có thể đe dọa an ninh hoặc hệ thống xã hội hoặc kinh tế của người dân tại Đài Loan” - ông Price nói.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng từ khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo của hòn đảo này hồi năm 2016. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để "thống nhất".