Giá dầu thế giới ngày thứ Tư (7/4) tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ triển vọng khởi sắc của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do lượng xăng tồn kho của Mỹ tăng và mối lo về sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 63,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,44 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 59,77 USD/thùng.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, nhưng tồn kho xăng tăng 4 triệu thùng. Trước đó, các nhà phân tích được hãng tin Reuters khảo sát dự báo tồn kho xăng giảm 221.000 thùng.
"Nếu xăng thừa thì sẽ đến lúc dầu thừa, vì dầu dùng để làm ra xăng", ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau thuộc Mizuho Securities, phát biểu.
Giá dầu được hỗ trợ bởi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Biên bản công bố ngày 7/4 cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này cùng chung quan điểm lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, đồng thời cam kết tiếp tục kiên nhẫn trước khi bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hôm 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nỗ lực kích cầu của các chính phủ sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% trong năm nay, một tốc độ tăng mạnh chưa từng thấy từ thập niên 1970.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Ấn Độ và Bắc Mỹ đang tăng trở lại. Nhiều nước châu Âu đã phải tái áp phong tỏa để chống làn sóng Covid thứ ba. Giới đầu tư lo ngại rằng điều này sẽ gây trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Trên thị trường cũng bắt đầu xuất hiện mối lo về sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran, trong bối cảnh Tehran và các cường quốc bắt đầu có những động thái nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015. Iran và các đối tác trong thỏa thuận này, gồm Mỹ, đã nhất trí thành lập các nhóm công tác để thảo luận về khả năng nối lại thỏa thuận.
Nếu thỏa thuận được thiết lập trở lại, lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran, bao gồm đối với hoạt động xuất khẩu dầu, sẽ được dỡ.
"Iran đang là rủi ro gia tăng nguồn cung lớn nhất trên thị trường dầu", nhà phân tích Stephen Brennoc thuộc PVM Oil nhận xét.
Đầu tuần này, giá dầu sụt mạnh sau khi OPEC+ nhất trí nới sản lượng khai thác dầu trong tháng 5-6-7. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối, gồm Nga.
Xem thêm: mth.62832557080401202-et-hnik-ioh-cuhp-gnov-neirt-ohn-gnat-ad-uig-uad-aig/nv.ymonocenv