Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 7-4 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
"Tôi rất tự tin rằng sự phát triển trong quan hệ hai nước sẽ tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Biden đã nhấn mạnh việc ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng cũng là lợi ích quốc gia của Mỹ" - đại sứ Kritenbrink nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối hành động của những quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, khi các hành động ấy nhằm đe dọa, khiêu khích các nước khác, bao gồm ở Biển Đông.
Đại sứ Kritenbrink nói tại cuộc họp báo ngày 7-4
Phát biểu của ông Kritenbrink được đưa ra tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 7-4, thời điểm ông sắp kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Mỹ tại Việt Nam (2017 - 2021).
Khoảng 10 ngày nữa, ông sẽ rời Việt Nam và chờ quyết định phê chuẩn cho nhiệm vụ mới phụ trách chính sách của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lạc quan về thế hệ lãnh đạo mới
Tại cuộc trao đổi với báo chí trên, ông Kritenbrink dành phần nhiều thời gian điểm lại những thành tựu trong quan hệ Việt - Mỹ trong ba năm rưỡi làm việc ở Việt Nam. Đại sứ Mỹ khẳng định ông cực kỳ lạc quan về tương lai mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng hai nước phần lớn có sự song trùng trong những lợi ích căn bản. Khi chúng ta có chung tầm nhìn chiến lược về một khu vực và thế giới mà chúng ta muốn sống, chúng ta có thể giải quyết những khác biệt giữa hai bên một cách có trách nhiệm và mang tính xây dựng" - ông nói.
Trong năm 2021, cả Mỹ lẫn Việt Nam đều trải qua các cuộc bầu cử và chứng kiến một số thay đổi trong vị trí lãnh đạo hai nước. Đại sứ Kritenbrink cho rằng đây là sự tương đồng thú vị, đồng thời tin tưởng các lãnh đạo mới vẫn sẽ giữ ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hai nước như thời gian qua.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo ngày 7-4, ông Kritenbrink nói: "Tôi cho rằng lãnh đạo mới ở hai nước sẽ chỉ mang lại điều tốt đẹp cho mối quan hệ song phương.
Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đã thể hiện rất rõ rằng họ chú trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và mối quan hệ với Việt Nam nói riêng.
Vì vậy, tôi tin tưởng rằng sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris sẽ tốt cho quan hệ với Việt Nam".
Đại sứ Kritenbrink tin rằng các lãnh đạo mới của Việt Nam, trong đó có cả sự tiếp tục lẫn sự thay đổi, cũng sẽ có tác động tốt lên sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai bên.
"Lãnh đạo của các bạn sẽ đưa ra quyết định tốt nhất cho lợi ích quốc gia và dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi khi làm việc cùng lãnh đạo Việt Nam, cũng như dựa trên thông điệp từ các lãnh đạo mới ở Việt Nam, tôi tin tưởng rằng lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên cho việc phát triển mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam" - ông Kritenbrink nói.
Giữ lập trường ở Biển Đông
Ngày 26-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố ý định đề cử ông Kritenbrink làm trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, vị trí đứng đầu Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Về lý thuyết, ông Kritenbrink sẽ xử lý các vấn đề liên quan tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa nếu được Thượng viện thông qua, ông Kritenbrink sẽ được xem là nhà ngoại giao có vai trò then chốt trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Tại cuộc họp báo ngày 7-4, ông Kritenbrink cũng nhận nhiều câu hỏi về chủ đề Biển Đông. Nhà ngoại giao này khẳng định sự nhất quán trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Biển Đông.
Cụ thể cho tới nay, Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Anthony Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đều làm rõ quan điểm tin tưởng vào việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và mọi tuyên bố chủ quyền nên được đưa ra phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đối tác và đồng minh của mình trong việc ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" - đại sứ Kritenbrink nói về chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Vào ngày 13-7 năm ngoái, chính quyền tổng thống Donald Trump đã ra tuyên bố bác gần hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Chúng tôi tái nhấn mạnh tuyên bố ngày 13-7-2020 về các yêu sách ở Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016" - ông Kritenbrink nêu rõ tại họp báo ngày 7-4.
Về mặt quân sự, ông Kritenbrink khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các chương trình tăng cường năng lực trên biển trong khu vực với Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia.
Mỹ cũng đồng thời duy trì nỗ lực thúc đẩy tự do đường biển và đường không, phát triển năng lực và "tiếp tục bay và đi đến tất cả các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, điều mà các nước khác cũng có thể làm".
Trước khi tới Việt Nam công tác, ông Kritenbrink từng đảm nhiệm vị trí cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên.
Trước đó, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ tại Bộ Ngoại giao Mỹ như giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ (2009 - 2011), và trợ lý cho trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Cận Đông (1999 - 2000).
TTO - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.
Xem thêm: mth.68584157080401202-nedib-gno-auc-man-teiv-hcas-hnihc-ol-eh/nv.ertiout