Nợ dài hạn tăng 81.177 tỷ đồng chủ yếu cho các hoạt động M&A quỹ đất
Báo cáo của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (mã NVL) cho thấy tổng tài sản của Tập đoàn tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020 và đạt 144.536 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020, tăng 60,6% so với năm trước.
Hàng tồn kho tăng 51,9% so với cuối năm 2019 lên 86.865 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất của Tập đoàn và chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như The Grand Manhattan, Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne và NovaBeach Cam Ranh. 93% tổng hàng tồn kho (tương đương 81.189 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là BĐS đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa BĐS, BĐS đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Tổng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2020, ghi nhận 112.604 tỷ đồng, tăng 71,9% so với thời điểm cuối năm 2019. Nợ dài hạn ghi nhận tăng, ở mức 81.177 tỷ đồng, tăng chủ yếu từ các khoản vay phục vụ cho hoạt động M&A của Tập đoàn.
Tổng nợ phải trả của Novaland lên đến 4,79 tỷ USD trong năm 2020
M&A năm 2020: Thâu tóm quỹ đất đẹp với giá hợp lý, tổng quỹ đất gần 5.000 ha
Báo cáo thường niên của Novaland cho thấy hoạt động M&A của Novaland trong năm 2020 tập trung vào chất lượng hơn số lượng, các dự án có pháp lý tốt, giá cả hợp lý đã được hoàn tất, thể hiện qua nhiều thương vụ sôi nổi tại thị trường TP.HCM.
Tại thị trường ngoại tỉnh, Novaland cũng được biết đến với giao dịch M&A thành công quỹ đất quy mô hàng trăm héc-ta ở Đồng Nai, cùng một số các thương vụ khác tại địa phương này với tổng giá trị giao dịch lên đến gần 1 tỷ USD.
Tại các địa phương khác như Đà Lạt - Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết, Novaland cũng nghiên cứu và đang thực hiện các thủ tục M&A nhiều quỹ đất. Các dự án được lựa chọn là những dự án có vị trí rất tiềm năng - thừa hưởng lợi thế phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong tương lai.
Đối với thị trường BĐS du lịch, Novaland tập trung dứt điểm M&A các dự án đã được hoạch định trong kế hoạch của năm 2019. Cụ thể là tiếp tục nâng quỹ đất mà Tập đoàn sở hữu và đang nghiên cứu cho phân khúc BĐS du lịch lên thêm 856 ha trong năm 2020, đưa tổng quỹ cho phân khúc này lên đến hơn 4.000 ha.
Novaland cho biết quỹ đất tập đoàn này sở hữu và đang nghiên cứu đạt gần 5.000 ha với danh mục gần 50 dự án BĐS nhà ở và BĐS Du lịch, với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng như: căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, lô văn phòng 24/24, second home (nhà phố nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng), biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu...
Hoạt động M&A sôi động của Novaland để gia tăng quỹ đất
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2020, năm qua Novaland thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập lên tới 19.433 tỷ đồng, trong đó bán 4 công ty BĐS Phong ĐIền (giá chuyển nhượng 987 tỷ đồng, lãi 795,5 tỷ đồng), Cảng Phú Định (bán 2.395,64 tỷ đồng, lãi 1.707,67 tỷ đồng), BĐS Phú Trí (tổng giá trị chuyển nhượng 928 tỷ đồng, lãi 57,7 tỷ) và Nova Nippon & Sun City (tổng giá trị chuyển nhượng 6.547,5 tỷ đồng, lãi 797 tỷ). Như vậy, việc bán 4 công ty trong năm 2020 giúp Novaland thu về 10.858 tỷ đồng, lãi 3.357,87 tỷ đồng. Số lãi này được công ty ghi nhận trong doanh thu hoạt động tài chính năm 2020.
Dự án The Sun Avenue trên đường Mai Chí Thọ, quận 2
Nova Nippon là công ty mẹ của Sun City, sở hữu 74,9%. Sun City được biết đến là chủ đầu tư một dự án quy mô 9,6 ha tại đường Mai Chí Thọ, Quận 2, TP HCM. ( xem bài viết về giao dịch bán Nova Nippon tại đây).
Các giao dịch M&A giúp Novaland lãi 3.357 tỷ trong năm 2020
Tập đoàn chi 8.575 tỷ mua vào 7 công ty và nắm cổ phần chi phối là Lucky House, Tân Kim Yến, Phúc Hoa, Thế kỷ Hoàng Kim, An Huy, Đầu tư Liberty và Du lịch Thanh Niên.
Tại ngày 31/12/2020, tập đoàn có 80 công ty con và 7 công ty liên kết (năm 2019 có 74 công ty con và 5 công ty liên kết).
Việc thiếu nguồn cung căn hộ bình dân trong thành phố sẽ tạo động cơ cho chủ đầu tư mở rộng ra vùng ven
Novaland hiện đang ở Giai đoạn 2 (2018-2025) của lộ trình chiến lược phát triển đã được định hình sẵn, đó là: vẫn tiếp tục tập trung vào thị trường BĐS Trung tâm tại khu vực TP.HCM, đồng thời sẽ phát triển mạnh BĐS Khu đô thị vệ tinh và BĐS Du lịch tại những địa điểm có kết nối giao thông tốt, đặc biệt là các thị trường dọc theo các tuyến cao tốc mới.
Theo Novaland, một điều đáng lo ngại tại TP.HCM đó là từ 2015 đến 2020, tỷ trọng nguồn cung căn hộ bình dân giảm mạnh từ 35% chỉ còn 24%, trong khi đó phân khúc trung cấp tăng nhanh từ 34% lên 43% tổng cung.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ mới liên tục sụt giảm trong 5 năm gần đây và có mức thấp nhất vào năm 2020. Tổng cung căn hộ mở bán năm 2020 từ 21 dự án đạt hơn 17.200 căn, giảm 35% so với năm 2019. Hạng cao cấp (có giá từ 2.000-4.000 USD/m2) có 10 dự án, chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 76% nguồn cung với hơn 13.000 căn, tăng 109% theo năm. Căn hộ hạng sang (trên 4.000 USD/m2) mở bán mới giảm 35% so với năm 2019. Hạng trung cấp (1.000 – 2.000 USD/m2) có nguồn cung sụt giảm tới 83% theo năm, chỉ có khoảng 3.000 căn. Đặc biệt không có dự án bình dân (giá dưới 1.000 USD/m2) nào mở bán mới năm 2020.
Một số khu vực như huyện Nhà Bè, Q. Thủ Đức và Q9 có những dự án mới chào giá cao vọt, hơn từ 40-70% so với mặt bằng giá chung của khu vực.
Novaland nhận định việc iếp tục thiếu vắng nguồn cung căn hộ hạng bình dân sẽ tạo động cơ cho các chủ đầu tư phát triển mở rộng ra các tỉnh ven TP.HCM để tận dụng quỹ đất lớn, giá trị đầu tư vừa phải, cung cấp cho thị trường.
Châu Cao
Nhịp sống kinh tế