Hành khách di chuyển sang làn B nhà ga quốc tế ở Tân Sơn Nhất để đi xe công nghệ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều hành khách kỳ vọng cần công khai minh bạch các điều kiện để không để chỉ một hãng xe công nghệ độc quyền đón khách một cách thuận lợi ở sân bay Tân Sơn Nhất mà cần hài hòa lợi ích cả cảng hàng không, xe công nghệ và người dân.
Không rõ ràng, cụ thể?
Ông Phạm Vũ Cường, phó giám đốc TIA, cho biết doanh nghiệp vận tải muốn khai thác trong sân bay bắt buộc phải đấu giá nhượng quyền với cảng theo thông tư 17/2016 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp phản ảnh để đạt được thỏa thuận với TIA gặp khá nhiều khó khăn.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, phía ứng dụng Grab đã có công văn và đề án làn xe riêng gửi đến TIA không dưới 3 lần nhưng vẫn không nhận được trả lời chính thức bằng văn bản từ sân bay. Cụ thể ngày 22-12-2020, lần đầu gửi văn bản đến Sở GTVT TP.HCM đề nghị bố trí làn xe riêng nhưng thông tin phản hồi của sân bay thông qua báo chí là không khả thi.
Đầu tháng 1-2021, Grab tiếp tục gửi văn bản đến TIA bày tỏ muốn có làn xe riêng ở làn B, C ga quốc nội và có trả phí, có người điều hành. Thay vì phản hồi văn bản chính thức hướng dẫn, phía TIA gọi điện và yêu cầu Grab hoàn thiện đề án đấu thầu.
Mới nhất, tháng 3-2021, ứng dụng này hoàn thành hồ sơ đấu thầu nhưng đến hiện nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ TIA.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết các tiêu chuẩn mà sân bay yêu cầu trong hồ sơ như: phương án khai thác, chi phí, cách vận hành xe ra vào, giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải đã nộp... hãng xe đã nộp đủ.
Grab mong muốn có làn xe riêng, áp dụng công nghệ để điều tiết xe bằng online lẫn offline để ôtô ra vào sân bay không ùn ứ. Vẫn như cũ, TIA chưa có phản hồi.
Điều gây khó khăn đối với hãng xe công nghệ là TIA áp dụng quy định: phải có bãi đậu xe, cung cấp danh sách phương tiện ra vào bao gồm biển số xe...
Grab cho rằng bãi xe thì dễ thuê, nhưng khi hành khách đặt xe, hệ thống sẽ quét tài xế gần sân bay đón khách chứ không thể ép được tài xế chỉ chạy riêng sân bay... để có danh sách riêng.
Be lên tiếng về thỏa thuận
Theo các hãng xe vận tải, dịch vụ đưa đón hành khách ở sân bay là một một trong những thị trường màu mỡ vì có lượng khách đông, mức chi cao. Do đó, các ứng dụng sẵn sàng mở hẳn một mảng kinh doanh riêng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Be cho biết với các yêu cầu mà TIA đặt ra thì hãng xe đã đáp ứng đầy đủ như: quy chế hoạt động, tổ chức, phương án kinh doanh liên quan đến hoạt động tại cảng cũng như đảm bảo quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
Tài xế, nhân viên điều hành được học tập đào tạo về quy định hoạt động khai thác tại sân bay; phương tiện đáp ứng điều kiện kinh doanh như phù hiệu xe, niên hạn, tiêu chuẩn quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và các quy định khác của cảng.
Tuy nhiên, về giá trị hợp đồng nhượng quyền khai thác với sân bay, Be từ chối cung cấp.
Tăng sự lựa chọn cho người dân
Từ tháng 11-2020, TIA bố trí lại giao thông bên trong sân bay; các hãng taxi, xe kinh doanh vận tải chỉ được phép khai thác trong làn D (bên trong nhà xe TCP). Riêng các hãng xe công nghệ như Be, Grab muốn đón khách phải chạy lòng vòng từ tầng 3, 4, 5 trên nhà xe.
Với làn xe công nghệ đầu tiên của Be ở TIA đang thí điểm ở làn xe B - ga quốc tế đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, các hãng xe chưa đạt được thỏa thuận cùng TIA sẽ phần nào chịu thiệt và người dân bị giảm sự lựa chọn. Nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy để tăng sự lựa chọn của người dân, tăng cạnh tranh.
TTO - Xuất hiện tình trạng người dân kéo vali từ trong sân bay ra đường Trường Sơn đón xe, gây mất an toàn sau khi sân bay Tân Sơn Nhất phân lại làn xe đưa đón khách.
Xem thêm: mth.62232709080401202-barg-oc-gnohk-eb-oc-oas-iv-tahn-nos-nat-o-ehgn-gnoc-ex-nal/nv.ertiout