Tại toạ đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 8-4, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng vai trò của truyền thông ở các cấp cơ sơ rất quan trọng, nhất là những địa phương nơi xảy ra sốt đất.
Bởi nếu sốt đất, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Sau đó khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
Với các nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài có dự án đang triển khai ở Việt Nam, có những dự án đã đền bù giải toả 90%-95% nhưng khi giá đất bị đẩy lên dù chỉ còn vài % cần giải phóng mặt bằng để triển khai cũng rất khó thương lượng.
Ông Sử Ngọc Khương
Ở những khu công nghiệp sản xuất dịch vụ, giá đất bị đẩy lên sẽ khiến cho mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không như định hướng ban đầu, không hiệu quả.
Vòng đời của 1 dự án khoảng 5 năm nhưng dự án công nghiệp, sản xuất cần tới 20-30 năm nên khi giá đất tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, địa phương bị mất lực hút, mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ là do các ngân hàng gia tăng số dư nợ tín dụng. Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99%-10%/năm. Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị những giải pháp để kiểm soát sốt đất
Về giải pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị các ngân hàng dưới sự quản lý nhà nước phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ để lường trước được những rủi ro trong việc cho vay bất động sản. "Chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành và giao UBND cấp tỉnh ban hành giá đất theo mục đích sử dụng đất để tính các nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như bồi thường khi thu hồi đất. Có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch…" - Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Trao đổi về dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP HCM, cho hay hiện dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản khoảng 350.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 13,5% trong tổng dư nợ. Nếu so với đầu năm, tín dụng bất động sản ở TP HCM tăng khoảng 2%, tương đương mức tăng bình quân chung.
Ông Nguyễn Hoàng Minh nói về những vấn đề liên quan tới ngân hàng và sốt đất
Nếu giai đoạn trước, tín dụng bất động sản phát triển quá nóng, có khi chiếm 35%-40% tổng dư nợ, đến nay ngành ngân hàng vẫn rất vất vả để xử lý nợ xấu. Đến nay, việc quản lý vốn tín dụng chảy vào bất động sản là hợp lý, trong tầm kiểm soát. Bởi thực tế trong quá khứ, nhiều ngân hàng đã có những bài học "thấm thía" về cho vay bất động sản, nhất là trong những cơn sốt đất. Do đó, họ rất thận trọng cho vay, để tránh nợ xấu.
Cung cấp thêm nguồn đất sạch cho nhà đầu tư
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM, cho biết trung tâm sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, cung cấp nguồn đất thô, đất sạch với pháp lý tương đối ổn định theo quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, như một số trường hợp tổ chức bồi thường, huỷ hoặc thu hồi sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, sau khi thu hồi xong, trung tâm sẽ tổ chức bán đấu giá theo quy định của nhà nước. UBND TP HCM cũng giao nhiệm vụ cho trung tâm tổ chức bán đấu giá một số quỹ nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng. Trong năm 2021 và các năm kế tiếp trung tâm sẽ tập trung thực hiện chỉ đạo của thành phố bán đấu giá một số trường hợp và thông tin sẽ được công khai, mời gọi nhà đầu tư thực chất tham gia nhằm tạo thêm quỹ đất sạch cho thị trường.
Ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM
Liên quan đến câu chuyện minh bạch các thông tin liên quan đến đất đai, ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết trong các quy định pháp luật về đất đai đều nêu rõ trách nhiệm cơ quan nào phải thực hiện, thời gian, nội dung triển khai để cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận, nắm bắt thông tin…
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch, bản đồ,… và chúng tôi đang thực hiện. Tại TP HCM, ngoài thông tin trên các trang web, còn thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan sở ngành. Do đó, người dân cũng cần tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng và tỉnh táo trong việc xem xét, đánh giá quyết định đầu tư của mình" – ông Dư Huy Quang chia sẻ.
Xem thêm: mth.1822043180401202-tad-tos-ev-coh-iab-aiht-maht-gnah-nagn-cac/et-hnik/nv.moc.dln