Ông Châu Thành Long ngồi bên cạnh đường bờ sông vừa sạt lở vào chiều 7-4 mà lo lắng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 8-4, ông Châu Thành Long, ngụ xã Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang, đã có đơn gửi các ngành chức năng tỉnh An Giang phản ánh tình trạng doanh nghiệp nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Hậu đoạn xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang đã và đang làm sạt lở nghiêm trọng đến việc nuôi cá của bà con ven sông Hậu ở bờ huyện Chợ Mới.
Đại diện Công ty Xây lắp An Giang khẳng định đơn vị không nạo vét gần bờ huyện Chợ Mới mà do đất bồi lắng nhiều nên bị chấn động dẫn đến sạt lở
Theo đó, ngày 7-4, Công ty Xây lắp An Giang có nạo vét chỉnh trị dòng chảy đoạn sông Hậu bờ TP Long Xuyên nhưng đã làm sạt lở đoạn dài hơn 200m phía bờ xã Long Giang, huyện Chợ Mới, ăn sâu vào bờ 15-20m, làm sập trôi 1 căn nhà tiền chế bằng gạch trị giá 250 triệu đồng; trạm bơm nước cho cá; số nhà chứa thức ăn cho cá và 3 hầm cá gần 900 tấn cá có nguy cơ chết vì thiếu nước.
"Chiều hôm qua tôi thấy xáng cạp đang múc thì tự nhiên khu vực gần bờ sông sụp từ từ xuống sông Hậu luôn. Bây giờ nó sạt lở như vậy nên chúng tôi không thể nào bơm nước vào hầm nuôi cá được. Rất may mắn là hôm qua sạt lở ban ngày, nếu ban đêm chắc xảy ra án mạng quá. Tụi tui ngủ nuôi cá nơi này mà lúc nào cũng lo lắng không yên", ông Long nói.
Đại diện Tập đoàn Nam Việt khẳng định nếu không sớm bồi thường, hỗ trợ để đơn vị lắp đặt điện vào bơm nước thì cá sẽ chết, gây thiệt hại nặng
Ông Nguyễn Văn Vỹ - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết phía công ty đề nghị doanh nghiệp khai thác cát phải hỗ trợ bồi thường theo đúng quy định. Sau vụ sạt lở chiều qua thì đơn vị bị sụp cả trạm điện, trạm bơm, hệ thống bơm nước, kênh cấp và đường dây điện… ước thiệt hại trên 3,5 tỉ đồng.
"Khu vực này chúng tôi có 6 hầm nuôi cá, với khoảng 2.000 tấn cá các loại từ 0,5-1,5kg/con. Nếu không kịp thời khắc phục bơm nước vào thì khả năng cá tra sẽ chết càng nhiều", ông Vỹ nói.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng liên ngành tỉnh An Giang đã khẩn trương đến khu vực sông Hậu để khảo sát và báo cáo về UBND tỉnh
Sau khi nhận được thông tin, các ngành chức năng tỉnh An Giang đã thành lập đoàn liên ngành gồm Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh và chính quyền huyện Chợ Mới đến khảo sát hiện trạng vụ sạt lở, các vị trí xáng cạp đang nạo vét.
Cận cảnh bờ sông Hậu bị sạt lở nặng khiến các hầm nuôi cá mất điện, không thể bơm nước vào các ao nuôi cá tra - Video: BỬU ĐẤU
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Quốc Anh - đại diện Công ty Xây lắp An Giang - khẳng định các xáng cạp nạo vét chỉnh trị dòng chảy tại sông Hậu không nạo vét lấn ra khỏi phạm vi cấp phép.
"Do bờ bên Chợ Mới bị bồi lắng mà chúng tôi nạo vét từ giữa sông Hậu về hướng TP Long Xuyên nên bờ bên đây đất bồi lắng đã sụp xuống. Chúng tôi đang thương lượng thỏa thuận để hỗ trợ bồi thường cho người dân và doanh nghiệp rõ ràng", ông Quốc Anh nói.
Vụ sạt lở đã làm 9 hầm cá tra ven sông Hậu có hiện tượng chết vì thiếu nước bơm vào
Đại diện Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang khẳng định qua khảo sát thì các xáng cạp đang nạo vét đúng vị trí từ giữa sông Hậu đổ về TP Long Xuyên để xử lý đất bồi lắng
Đoàn kiểm tra liên ngành của công an và các sở, ngành đã khảo sát trực tiếp tại vùng nuôi cá tra Nam Việt ven sông Hậu
Cận cảnh hầm chứa nước lắng lọc của Tập đoàn Nam Việt đã bị sạt lở khiến việc bơm nước vào các hầm nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn
Các công nhân của Tập đoàn Nam Việt đang sửa chữa lại các ống để chờ đấu nối hệ thống điện bơm nước cứu cá tra
Cận cảnh vết sạt lở ven sông Hậu bờ xã Long Giang, huyện Chợ Mới mà người dân và doanh nghiệp "tố" do doanh nghiệp nạo vét khai thác cát gây ra
TTO - Để xử lý tình trạng sạt lở đất đá nghiêm trọng cạnh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS (PTDTBT-THCS) Trung Thành, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), chính quyền địa phương di dời toàn bộ khu nghĩa trang gần trường này đến địa điểm mới.