Tối 7/4, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh xô xát giữa nhóm thanh niên và lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba Xuân Phương - quốc lộ 32, đoạn đối diện Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo những hình ảnh ghi lại, trong lúc xô xát, một người trong trang phục cảnh sát giao thông đã túm tóc kéo một thanh niên vào cabin ôtô rồi đấm và đưa các thanh niên trong nhóm này lên ôtô.
Ngày 8/4, tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết sẽ xác minh, làm rõ thông tin đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh xô xát giữa Cảnh sát giao thông và nhóm thanh niên.
Một lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 6 (phụ trách địa bàn này) cho biết thông qua đoạn clip và thời gian thì đây không phải người của Đội Cảnh sát giao thông số 6.
Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng theo quy định của pháp luật trong trường hợp nào thì Cảch sát giao thông có quyền đánh người?
Trước hết phải khẳng định, hiện tại không có văn bản pháp luật nào cho phép Cảnh sát giao thông được đánh người tham gia giao thông, ngay cả khi người tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ. Trường hợp người vi phạm chống đối thì Cảnh sát giao thông có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính, chứ cũng không được phép đánh người vi phạm.
Theo đó, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định: Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Việc đánh người là hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người khác và đó là hành vi trái pháp luật. Tùy vào động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Đối với một Cảnh sát giao thông thì ngoài việc phải tuân thủ, làm gương, chấp hành các quy định của pháp luật thì còn phải tuân thủ các quy định của ngành. Hành vi đánh người sẽ phần nào làm xấu đi hình ảnh của người cảnh sát nhân dân, do đó cơ quan, đơn vị chủ quản của chiến sĩ cảnh sát đó phải có hình thực kỷ luật thích đáng.
Cần phải phân biệt giữa đánh người và việc khống chế, trấn áp hành vi vi pháp luật của Cảnh sát giao thông. Nếu hành vi chống đối của người vi phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì Cảnh sát giao thông có thể tấn công đối tượng để không chế. Tuy nhiên, hành vi đánh người này cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” đã được Bộ luật hình sự quy định.
Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có quy định về trường hợp phòng vệ chính đáng như sau: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Tuy nhiên, khi hành vi tự vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể là chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại thì cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 23 bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về "Tình thế cấp thiết" như sau: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
H.M