Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TPHCM; ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vừa được UBND TPHCM ban hành, ngoài 4 mặt hàng gồm: lương thực (gạo, mì gói, bún khô…), thực phẩm thiết yếu (đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị); hàng phục vụ mùa khai giảng; sữa; dược phẩm thiết yếu sẽ có thêm 2 nhóm mặt hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) (65,65 triệu cái/3 tháng) và nước rửa tay sát khuẩn (4,52 triệu chai (1,7 triệu lít)/3 tháng) được đưa vào danh mục BOTT năm 2021.
Thời gian thực hiện CTBOTT từ ngày 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Sữa là 1 trong 4 nhóm hàng được bình ổn thị trường |
Theo yêu cầu của chương trình, vào các tháng thường, lượng hàng BOTT chiếm từ 25 – 30% nhu cầu thị trường; các tháng Tết, lượng hàng BOTT chiếm từ 25 – 40% nhu cầu thị trường; các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng BOTT chiếm từ 35 – 50% nhu cầu thị trường.
Chương trình cũng sẽ gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và được triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Đối tượng tham gia chương trình BOTT là doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật DN, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là DN); các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.
Các doanh nghiệp tham gia CTBOTT sẽ được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với lãi suất dài hạn từ 6,5%-11,3%/năm và ngắn hạn là 4,5%/năm để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng…
Nguyễn Cẩm