Bộ GD&ĐT vừa chính thức ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 16-5.
Dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế dạy học trực tiếp
Theo thông tư, các trường được dạy trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học.
Cụ thể, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề theo chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT), bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo CT GDPT để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó.
Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo CT GDPT để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ GD&ĐT.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Nguyên tắc dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của CT GDPT; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp (TP.HCM) học bài trên Internet trong thời gian ngưng đến trường do dịch COVID-19 hồi tháng 2. Ảnh: NTCC
Phân cấp chặt chẽ thực hiện thông tư Bộ GD&ĐT quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương. Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục thực hiện, tổ chức dạy học trực tuyến; kiểm tra, giám sát, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. |
Phù hợp với bối cảnh hiện nay
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 (TP.HCM), cho rằng đây là một quyết định mang hơi thở của thời đại, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang xuất hiện trên toàn cầu, vẫn đảm bảo học sinh nghỉ phòng dịch mà không nghỉ học.
Việc phối hợp hai hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến là một thuận lợi cho thầy cô trong việc hoàn tất chương trình hay một chủ đề, công tác quản lý nhà trường thuận tiện hơn.
Ông Phú ví dụ môn nghề ở khối 11 có ba tiết một tuần, rất khó xếp thời khóa biểu nhưng nếu có thể xếp phần lý thuyết học trực tuyến, phần thực hành ở lớp thì sẽ hợp lý và đảm bảo nội dung chương trình.
Việc kiểm tra thường xuyên sử dụng hình thức trực tuyến đem lại nhiều mặt tích cực như không tốn giấy, giáo viên không phải chấm, học sinh biết điểm ngay khi kết thúc giờ kiểm tra. Tuy nhiên, học trực tuyến cũng có những hạn chế cần khắc phục như cơ sở hạ tầng của đơn vị phải đảm bảo, học sinh phải có phương tiện như smartphone, iPad... và tính trung thực cao.
“Muốn thực hiện được điều này, cơ sở hạ tầng đường truyền Internet phải vào tận lớp. Giáo viên và học sinh phải được tập huấn sử dụng công nghệ, nguồn dữ liệu phong phú và phải có những quy định trước với các em khi tổ chức dạy học trực tuyến” - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói thêm.
Về vấn đề này, ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú (TP.HCM), cho rằng thông tư ban hành rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nó giúp trường chủ động hơn trong việc triển khai chương trình năm học, đa dạng hóa phương pháp dạy và học, nhất là trong điều kiện bất khả kháng học sinh không thể tới trường như các đợt nghỉ do dịch COVID-19 vừa qua.
Thông tư được áp dụng sẽ là căn cứ để trường xây dựng chương trình, kinh phí để tập huấn cho giáo viên và học sinh về kỹ năng, công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất.
Phụ huynh học sinh cũng nắm được chương trình, kế hoạch và được hướng dẫn cơ bản để hiểu và quản lý việc học tập trực tuyến của con em mình.
“Như vậy, thông tư được triển khai sẽ giúp trường, học sinh và phụ huynh có sự phối hợp chủ động, không bỡ ngỡ như thời gian vừa qua” - ông Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận 1 chia sẻ trong thời gian vừa qua trường cũng muốn kết hợp hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp để rút ngắn thời gian học trên lớp, tăng hoạt động ngoại khóa cho các em. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nên chưa thể thực hiện.
“Thông tư này ra đời sẽ là căn cứ để trường thực hiện. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch dạy và học cho năm tới. Khi có văn bản chỉ đạo, trường thực hiện một cách hợp lý thì chắc chắn giáo viên và học sinh sẽ thực hiện” - vị này nói thêm.
Hướng dẫn các hoạt động trong dạy học trực tuyến Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: Tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến… Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: Tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác… Bộ GD&ĐT |