Ngoại trưởng Mỹ Blinken cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar - Ảnh: AFP
Andrea Gacki, một quan chức cấp của Bộ Tài chính Mỹ, nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đối với MGE cho thấy Washington sẽ tiếp tục cắt đứt các nguồn tiền của quân đội Myanmar như đã hứa.
Ngoài việc MGE bị cấm tiến hành giao dịch trên đất Mỹ (nếu có), các doanh nghiệp và người Mỹ cũng bị cấm làm ăn với công ty thuộc Bộ Khai thác mỏ Myanmar. MGE chịu trách nhiệm cấp giấy phép khai thác đá quý ở Myanmar và thu lời từ việc buôn bán tài nguyên này.
Trong một tuyên bố riêng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lệnh trừng phạt được đưa ra ngay trong lúc các tướng lĩnh Myanmar tham gia một triển lãm đá quý của MGE.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên các nguồn tiền của chính quyền quân sự cho đến khi các vị ngừng bạo lực, thả tất cả những người bị giam giữ bất công, dỡ bỏ thiết quân luật và tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, khôi phục nền dân chủ cho Myanmar", ông Blinken nhấn mạnh trong thông cáo.
Mỹ cùng với một số quốc gia phương Tây khác đã áp dụng các biện pháp trừng phạt những tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính và một số thành viên gia đình của họ. Hai tập đoàn do quân đội kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Myanmar cũng bị đưa vào danh sách đen của Washington.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền quân sự Myanmar sẽ lùi bước. Trong thông điệp ngày 8-4 nhân dịp năm mới của Myanmar, Ngoại trưởng Blinken đã cầu chúc bình an sớm tới với người dân nước này.
"Thingyan là thời điểm tái sinh và đổi mới. Vào thời điểm khủng hoảng như lúc này, chúng tôi thật sự mong năm mới sẽ mở ra hòa bình cho tất cả người dân Myanmar", ông Blinken bày tỏ. Ngoại trưởng Mỹ kế đó ca ngợi những người Myanmar đã xuống đường phản đối đảo chính và chế độ quân sự, nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục ủng hộ những nhóm này.
Cuộc đảo chính ngày 1-2 đã đẩy đất nước Myanmar vào tình trạng bất ổn. Chính quyền quân sự Myanmar thừa nhận có người chết trong biểu tình, song con số đưa ra luôn thấp hơn thống kê của Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền Myanmar.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc các vụ "tấn công" của quân đội Myanmar đã khiến hơn 500 người biểu tình chết kể từ ngày 1-2.
TTO - Thêm ít nhất 11 người biểu tình Myanmar thiệt mạng trong các cuộc xung đột với lực lượng an ninh trong ngày 8-4.