Nguyễn Anh Thư và Phạm Ngọc Thảo đang bị tạm giam để điều tra về tội tổ chức mang thai hộ - Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 8-4, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) Nguyễn Đức Vinh cho biết đã có văn bản gửi các bệnh viện có thực hiện hỗ trợ sinh sản, đề nghị thường xuyên rà soát quy trình chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo các kỹ thuật được triển khai đúng quy định hiện hành.
Làm giả giấy tờ để được tạo phôi thai
Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Ngọc Thảo (40 tuổi, quê TP.HCM), Nguyễn Anh Thư (29 tuổi, quê TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Danh Hòa (59 tuổi, trú P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) để làm rõ hành vi tổ chức mang thai hộ.
Theo cơ quan công an, bị can Nguyễn Danh Hòa là bác sĩ sản khoa và hiện cộng tác với nhiều bệnh viện khác nhau ở Hà Nội. Bị can Hòa có mở một phòng khám tại nhà nhưng không có giấy phép hoạt động.
Nhiều năm trước, bị can Phạm Ngọc Thảo quen biết Hòa vì từng sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Qua tham gia các hội nhóm, diễn đàn về hiếm muộn, Phạm Ngọc Thảo quen biết với bị can Nguyễn Anh Thư. Hai bị can này tham gia nhiều hội nhóm về hiếm muộn, rồi đăng thông tin tìm người có nhu cầu thuê người mang thai hộ và người mang thai hộ để làm trung gian môi giới kiếm lời. Sau đó, Thảo và Thư đã cùng hợp tác với Nguyễn Danh Hòa để hình thành nên đường dây mang thai hộ.
Hòa là người trực tiếp thủ thuật hỗ trợ sinh sản. Đối với những người không đủ điều kiện để tạo phôi thai, nhóm bị can trực tiếp hỗ trợ làm giả giấy tờ để hợp pháp hóa, đưa vào bệnh viện tạo phôi, sau đó đưa phôi đến phòng khám không phép của bác sĩ Hòa đặt vào người mang thai hộ.
Nhiều điểm bất thường
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Nguyễn Đức Vinh đã có văn bản gửi các bệnh viện để siết lại quy trình chung. Tuy nhiên, trở lại vụ "mang thai hộ thương mại" vừa ghi nhận này, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm bất thường.
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Danh Hòa, người đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho 2 ca mang thai hộ này, đã thôi làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội từ ngày 20-8-2020.
Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết từ đó đến nay bác sĩ Hòa có hành nghề tiếp thì phải đăng ký hành nghề tại Sở Y tế sở tại, cụ thể ở đây là Sở Y tế Hà Nội.
Thực tế cho thấy bác sĩ Hòa có hành nghề nhưng phòng khám không phép mà hoàn toàn không được phát hiện, cho đến khi đã có 2 bé ra đời.
Trong khi các quy định pháp lý để cho phép hay không cho phép mang thai hộ ở Việt Nam cho đến nay, theo ông Quang, là rất chặt chẽ và chỉ cho phép người có họ trong vòng 3 đời và cùng hàng mang thai hộ cho nhau.
Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và cũng là một chuyên gia về hỗ trợ sinh sản, cũng đồng ý rằng quy định hiện hành chặt chẽ, nhưng nhiều trường hợp "đường dây", "đầu nậu" làm giả giấy tờ, hồ sơ.
"Bác sĩ không phải là công an để xem nguồn gốc họ hàng của người đến làm kỹ thuật mang thai, khi thấy có đủ giấy tờ và có con dấu đủ là cho phép, trường hợp hồ sơ bị làm giả hoặc cố tình làm giả thì cũng khó phát hiện" - ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cũng cho rằng trong các quy định hiện hành liên quan đến mang thai hộ, ông thấy có một số điểm cần phải sửa chữa, trong đó có việc quy định hiện hành không cho phép gia đình đã có 1 con và con bị tàn tật nhờ mang thai hộ để sinh con thứ 2. "Nhưng thực tế nên cho phép và đó là quy định rất nhân văn" - ông Tiến nói.
Các bệnh viện không nhận "cộng tác" với bác sĩ Hòa
Trên một trang thông tin điện tử có thông tin bác sĩ Hòa cộng tác với 2 bệnh viện ở Hà Nội, nhưng qua trao đổi với bệnh viện tư A. và bệnh viện tư M., cả 2 bệnh viện đều cho biết bác sĩ Nguyễn Danh Hòa chưa từng làm việc ở đây. Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
TTO - Chiều 7-4, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can trong đường dây mang thai hộ. Trong đó, 2 phụ nữ từ miền Nam ra Hà Nội tổ chức cầm đầu.