Sau khoảng hơn 2 năm có mặt trên thị trường, VinFast Lux SA2.0 đã có một lượng người sử dụng đông đảo. Tính riêng trong năm 2020, đã có hơn 5.400 chiếc Lux SA2.0 được bán ra. Cộng đồng người sử dụng dòng xe này ngày càng lớn mạnh.
Lux SA2.0 có giá khoảng 1,3 tỷ đồng nhưng được phát triển trên khung gầm của BMW X5 và ứng dụng một số công nghệ BMW nên được xếp vào dòng xe cao cấp dù còn nhiều tranh cãi. Trong cuộc Bình chọn Xe của năm 2021 vừa qua, ban giám khảo còn xếp mẫu xe này là SUV-CUV hạng sang tầm trung. Bởi lẽ đó, Lux SA2.0 có những lúc được so sánh với xe sang.
Có nhiều người đổi từ dòng xe khác sang Lux SA2.0, trong đó có những người đã hoặc đang sử dụng xe sang đắt tiền. Anh Mai Anh Khoa là một trong những người đổi từ xe sang, cụ thể là Mercedes-Benz GLC, sang VinFast Lux SA2.0. Anh Khoa (38 tuổi) hiện là giám đốc công ty thiết bị điện tử và hiện sử dụng chiếc VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp nhất để phục vụ công việc và nhu cầu gia đình.
Chào anh Khoa. Câu chuyện mua xe của anh khá đặc biệt khi chuyển từ GLC 200 - một chiếc SUV hạng sang - sang Lux SA2.0 - một mẫu SUV còn khá mới mẻ. Thông thường, người ta chọn đổi sang các dòng xe đắt tiền hơn, còn với anh, tại sao anh lại chọn việc đổi "ngược" như vậy?
Tôi là người khá may mắn khi có cơ hội chạy nhiều dòng xe từ phổ thông đến hạng sang. Xuất phát điểm của gia đình tôi là chiếc Kia Morning, sau đó tôi có mua thêm chiếc Mitsubishi Triton. Tuy nhiên, do gia đình tôi cần một chiếc xe lớn hơn và công việc phải tiếp đối tác nên tôi đã quyết định chọn một dòng xe tốt hơn, tiện nghi hơn.
Chính vì vậy, năm 2018, tôi có tham khảo khá nhiều các dòng xe và thấy Mercedes-Benz GLC 200 phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính của gia đình nên đã mua thêm. Morning để vợ dùng, Triton thỉnh thoảng đi đường khó hay câu cá rất tiện mà không xót xe.
Thời điểm tôi mua GLC thì Lux SA2.0 vẫn còn "thai nghén", chưa được bán ra thị trường nên tôi không quá quan tâm đến dòng xe đó.
Sau một thời gian sử dụng GLC, tôi thấy chiếc xe này khá ổn, nhưng vô-lăng hơi nhẹ, lái cảm thấy chưa sướng, nên tôi lại đi tìm kiếm một chiếc SUV khác. Khoảng giữa năm 2020, tôi có trải nghiệm chiếc VinFast Lux SA2.0 của một người bạn và thấy chiếc xe này rộng rãi hơn, lái khá hay, xe lại đầm chắc nên bắt đầu tìm hiểu kỹ.
Đồng thời, được sự hậu thuẫn của "phu nhân" nên tôi đã nhanh chóng chốt đặt Lux SA2.0 và nhận xe sau khoảng hơn một tháng đặt cọc. Đến nay, tôi đã sử dụng Lux SA2.0 được hơn nửa năm và cảm thấy tương đối hài lòng.
Vợ tôi cũng rất thích xe VinFast nên tôi mới sắm thêm chiếc sedan Lux A2.0. Giờ đây, mỗi người một xe. Thi thoảng tôi đổi sang lái sedan thì thấy thấp không quen cho lắm *cười*, nhưng được cái bốc hơn và trải nghiệm lái cũng thích hơn.
Anh sử dụng VinFast Lux SA2.0 với tần suất thế nào, thưa anh?
Nhu cầu chính của tôi khi mua Lux SA2.0 là phục vụ công việc. Mỗi ngày tôi chạy khoảng 30-40 km. Có ngày chạy nhiều hơn. Do tính chất công việc phải tiếp khách nên tôi cần một chiếc xe hợp thời trang, tiện nghi đủ dùng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng thường xuyên đi du lịch, đánh golf nữa nên nói chung là sử dụng chiếc SUV này khá nhiều.
Đã sử dụng nhiều dòng xe, nhất là đã từng sở hữu chiếc GLC, anh đánh giá thế nào về chiếc Lux SA2.0 so với chiếc xe trước đó?
Theo tôi được biết, VinFast Lux SA2.0 là chiếc xe được phát triển dựa trên nền tảng BMW X5 nên xe có kích thước khá rộng, bởi đây là đối thủ của GLE. Trong khi đó, GLC là chiếc SUV cỡ nhỏ nên so sánh cũng khập khiễng. Tuy nhiên, mức giá của Lux SA2.0 và GLC 200 cũng gần tương đương nhau nên chắc cũng sẽ khiến nhiều người phân vân chứ không chỉ mình tôi.
Ngồi lên chiếc xe thoáng rộng bao giờ cũng cảm thấy "khoái" hơn xe cỡ nhỏ nên đây cũng là một trong những lý do tôi đổi từ GLC sang Lux SA2.0. Mặc dù xe có 3 hàng ghế, nhưng thú thật là hàng ghế cuối tôi vẫn bọc nilon từ khi mua bởi không sử dụng và chỉ để bộ gậy golf.
Chạy Mercedes-Benz GLC 200 đời 2018 trước đây, lúc đầu tôi khá thích bởi vô-lăng nhẹ khi chạy đường phố và vợ tôi cũng khen điều đó. Thế nhưng, xe mới mà, nói không thích cũng khó bởi chạy Morning thì quá chán rồi, còn bán tải Triton thì như tập tạ khi vần vô-lăng. Sau khi sử dụng một thời gian và chạy cao tốc nhiều, tôi mới thấy vô-lăng của GLC 200 hơi nhẹ quá, nhiều khi thấy không chắc chắn như những gì tôi kỳ vọng.
Trong khi đó, chạy VinFast Lux SA2.0 tôi cảm thấy chiếc xe này có phần vô-lăng khá đầm chắc. Đặc biệt, khi chạy cao tốc, hệ thống khung gầm của chiếc SUV này rất cứng vững, chuyển làn ở tốc độ cao tôi cũng cảm thấy khá yên tâm. Đặc biệt, độ rung từ khung gầm, động cơ truyền đến vô-lăng rất ít khi so với GLC 200.
Động cơ của Lux SA2.0 dù chạy không hay như chiếc Lux A2.0 bởi xác nặng hơn, song nhìn chung ở tầm giá 1,5 tỷ đồng, khó có chiếc xe nào chạy ấn tượng hơn.
Tôi rất hài lòng về khả năng cách âm môi trường của Lux SA2.0. Rất khó cảm nhận được tiếng ồn từ khung gầm, động cơ khi ngồi trong cabin. Có điều, do sử dụng lốp to bản nên ồn lốp vọng lên khoang cabin nhiều.
Cái hơn của GLC 200 là xe hạng sang nên có độ hoàn thiện nội thất rất ấn tượng. Các chi tiết được làm tỉ mỉ, vật liệu cao cấp nên khi đổi xe tôi cũng lăn tăn ở khoản này nhất khi chiếc Lux SA2.0 có độ hoàn thiện không bằng.
Vậy còn điểm nào trên Lux SA2.0 khiến anh không hài lòng nữa không? Đây là dòng xe mới và theo truyền thống của các hãng thì sẽ có các bản nâng cấp tiếp theo. Nếu có, anh mong muốn bản cập nhật của Lux SA2.0 có thêm hay thay đổi những gì?
Như vừa nói, điểm khiến tôi chưa ưng ý nhất trên Lux SA2.0 có lẽ đến từ khả năng hoàn thiện của nội thất. Mặc dù xe được ốp gỗ mang đến vẻ cao cấp, nhưng các mối ghép chưa chỉn chu nên thiếu đi tính thẩm mỹ.
Một điểm nữa là màn hình giải trí cỡ lớn nhưng kết nối điện thoại chỉ thông qua Bluetooth, cảm ứng lại chưa nhạy như mong muốn. Cá nhân tôi thích phong cách thiết kế màn hình nổi nằm ngang kiểu GLC hơn, bởi đặt dọc như hiện tại thì Volvo đang là hãng xe làm tốt hơn. Đồng thời, điều hòa cũng phải điều chỉnh thông qua màn hình, nhiều khi mất tập trung khi lái xe.
Tiếp theo là những phím bấm trên vô-lăng có thiết kế chưa chỉn chu, khá cứng gây khó cho người lái khi thao tác nhanh các chức năng như tăng/giảm âm, đàm thoại rảnh tay... Bởi dùng GLC rồi nên tôi có phần khắt khe với Lux SA2.0 ở khía cạnh này.
Kế tiếp là chìa khóa của xe rất nhanh hết pin, mới dùng được gần 2 tháng đã phải thay và đôi khi xe hiện thông báo không tìm thấy chìa khóa dù nó luôn bên người tôi. Tôi cũng chưa rõ là đây là lỗi chung hay vấn đề này chỉ xảy ra với xe của tôi.
Nhược điểm cuối cùng là khả năng cách âm phần lốp tiếp xúc mặt đường vọng vào khoang lái tương đối nhiều. Khi đi đường xấu, tiếng này càng lớn.
Còn về mong muốn thay đổi trên Lux SA2.0, với tầm tiền 1,5 tỷ đồng, tôi mong muốn mẫu xe này được trang bị thêm nhiều công nghệ an toàn như các mẫu SUV 7 chỗ phổ thông hiện nay. Trong đó, tính năng ga hành trình thích ứng, cảnh báo tiền va chạm và hỗ trợ phanh tự động... tôi nghĩ là cần thiết với điều kiện giao thông hỗn loạn ở các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ VinFast nên cải tiến hệ thống màn hình giải trí, các chi tiết nội thất hoàn thiện tốt hơn thì có lẽ Lux SA2.0 sẽ chiếm được nhiều tình cảm của người dùng Việt hơn nữa.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, với một thương hiệu non trẻ như VinFast, những gì họ đóng góp cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự đáng giá. Các sản phẩm đều được người dùng đón nhận bởi chính sách bán hàng, hậu mãi tốt. Hy vọng, hãng xe Việt lắng nghe người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm tiếp theo, mang đến những mẫu ô tô chất lượng, giá cả hợp túi tiền khách hàng.
Nếu họ làm tốt ở những sản phẩm xe điện như VF e35, VF e36, biết đâu tôi lại ủng hộ thêm *cười*.
Phương Linh
Pháp luật và Bạn đọc