Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Hà Giang - Ảnh: HÀ THANH
Sáng 9-4, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo quý 1-2021 "nối lại hoạt động ở trạng thái bình thường" trước diễn biến dịch COVID-19 vừa qua.
Thông tin kết quả 10 năm thực hiện chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - phó tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) - cho biết công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc đã hoàn thành và công bố năm 2018.
Đến nay, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 5.860 trường hợp nạn nhân bom mìn và đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng kinh phí hơn 50 tỉ đồng; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn Việt Nam về khắc phục hậu quả bom mìn.
Thông tin chi tiết về dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Hà Giang, đại tá Phúc cho biết qua khảo sát ban đầu, có khoảng hơn 4.000 chiến sĩ hi sinh, trong đó đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.000 hài cốt.
"Như vậy còn hơn 2.000 hài cốt chưa tìm kiếm, quy tập được. Số hài cốt này đang nằm rải rác trên những khu vực ô nhiễm bom mìn nặng. Ở nơi khác chỉ giải quyết ô nhiễm, rà phá bom mìn, còn ở đây vừa kết hợp rà phá vừa kết hợp tìm kiếm hài cốt, rất khó khăn", đại tá Phúc chia sẻ.
Ông cho biết mục tiêu trọng điểm, quan trọng nhất của dự án là cố gắng tìm kiếm, quy tập khoảng 600 hài cốt liệt sĩ riêng ở điểm cao Vị Xuyên.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động như phân tích ADN để xác định danh tính liệt sĩ, tiếp tục nỗ lực khắc hậu quả trong thực hiện rà phá bom mìn tại địa bàn Hà Giang và tiếp tục đầu tư nguồn lực vào khu vực này, tìm các nguồn lực quốc tế tham gia.
Dự kiến trong quý 3-2021, VNMAC sẽ phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang tổ chức hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng.
Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho bộ đội tuyến đầu
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, cục trưởng Cục Quân y, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.THANH
Về các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của quân đội, thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên - cục trưởng Cục Quân y - cho biết thời gian qua đã tăng cường chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác cách ly tại các điểm cách ly tập trung, đặc biệt tại Hải Dương trong giai đoạn bùng phát trong cộng đồng; lực lượng biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở tuyến biên giới.
Điểm sáng là nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 và vắc xin Nanocovax phòng chống COVID-19 và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong quân đội với 20.000 liều đợt 1.
"Dự kiến đến tháng 5 sẽ thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin giai đoạn 3. Hi vọng sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chúng ta có vắc xin trong nước để tiêm cho chiến sĩ, đồng bào, chủ động phòng chống dịch trong nước bằng vắc xin của mình", thiếu tướng Kiên cho biết.
Thông tin thêm về các lực lượng bộ đội được ưu tiên tiêm vắc xin đợt 1, ông cho biết ưu tiên số 1 là lực lượng biên phòng ở các cửa khẩu đường mòn, lối mở; lực lượng làm nhiệm vụ cách ly ở các đơn vị thực hiện cách ly tập trung; các bệnh viện, ưu tiên các khoa cấp cứu, khoa hồi sức; lực lượng y tế dự phòng, tiếp xúc với người có nguy cơ; các phân đội phòng chống dịch cơ động.
TTO - Vị Xuyên - chiến địa được những người lính vệ quốc 30 năm trước gọi là 'lò vôi thế kỷ' với hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt - Trung giờ đang được đồng đội dốc lòng dốc sức quy tập.