Đó là chia sẻ của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế khi đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
THÔNG TIN CẦN ĐÚNG VÀ TRÚNG
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 45% doanh nghiệp đã từng có lô hàng không được hưởng lợi do không biết đến cam kết của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Điều này một lần nữa cho thấy các nỗ lực phổ biến tuyên truyền về cơ hội và cam kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương còn cần phải thực hiện mạnh hơn, đi vào cụ thể, thực chất và theo mối quan tâm của từng nhóm doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp tiếp nhận thông tin về các Hiệp định thương mại tự do trúng và đúng, bà Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta cần đưa ra những thông tin một cách đúng mực, tránh chuyện khi có cái mới thì ào ào đưa theo và quên đi cái cũ. Đơn cử như tháng 8 năm ngoái, tất cả đều nói về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu như là số một với Việt Nam, khiến mọi người quên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Đến khi có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực thì cổ động nhiều cho hiệp định này và cổ vũ đây là thị trường tương đối dễ tính, dễ hơn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập. Trong khi chúng ta tham gia 2 hiệp định khó tính là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu với quyết tâm, khát vọng rất lớn để vươn lên nhằm tự thay đổi mình, nâng chuẩn, nâng cấp mình lên, nhưng lại đi khuyến khích làm với thị trường dễ tính.
Chúng ta cần xây dựng danh tiếng mới cho hàng hoá Việt Nam. Cần có chuẩn chung áp dụng cho cả thị trường trong nước và nước ngoài. 100 triệu người Việt Nam là một thị trường lớn ở trong nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào đây là vì thị trường rất lớn của Việt Nam.
Cứ nhìn tốc độ thâm nhập của các chuỗi phân phối bán lẻ của Thái Lan, Hàn Quốc mới thấy họ đánh giá thị trường nội địa Việt Nam lớn như thế nào. Còn nếu cứ để hàng Việt Nam ở chuẩn thấp và chỉ thích xuất khẩu sang những thị trường dễ tính thì Việt Nam muôn đời chỉ là nơi sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng thấp kể cả cho người Việt Nam lẫn thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng, khi tuyên truyền về các thị trường có Hiệp định thương mại tự do, chúng ta hay nói về dung lượng thị trường của họ lớn. Tự hào tham gia vào một khu vực lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực nhưng chúng ta cũng cần xem thực lực mình đáp ứng được bao nhiêu, thâm nhập được bao nhiêu. Đôi khi, một thị trường nhỏ nhưng lại có giá trị lớn hơn những thị trường lớn khác cộng lại với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng.
Kể cả với xuất khẩu, chúng ta phải thấy được thành tích xuất khẩu đó thuộc về mình rất ít, doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi không nhiều. Nếu muốn trở thành cường quốc trong những năm tới, không thể dựa trên người nước ngoài hoàn toàn mà phải dựa trên chính bản thân mình.
"Vì thế cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi cách thông tin của mình. Chú trọng, nâng cao nội lực hơn nữa, như tăng cường năng lực sản xuất trong nước, coi trọng thị trường trong nước, coi trọng doanh nghiệp Việt", bà Lan lưu ý.
TẬN DỤNG CƠ HỘI ĐỂ VƯƠN LÊN
Theo bà Lan, sự "khấp khểnh" về môi trường kinh doanh trong nước, chậm được cải thiện vẫn đè lên các doanh nghiệp nội nhiều hơn là doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài, ngoài việc họ có công cụ pháp lý và những cam kết quốc tế mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam thì họ còn có chính phủ, sứ quán, cộng đồng luật sư của họ bảo vệ họ. Còn doanh nghiệp Việt Nam vẫn "cô đơn".
Vị chuyên gia này cho rằng chúng ta đang trong cơ hội tuyệt vời để tham gia chuỗi cung ứng, hội nhập quốc tế. Covid làm thức tỉnh cả thế giới, bản thân Việt Nam khao khát từ lâu về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng khi các đối tác bên ngoài chưa hưởng ứng nên mình không làm được.
Nhưng bây giờ, trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp Nhật trở về Nhật hoặc đầu tư sang các nước khác. Australia và nhiều nước khác trong khu vực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đang tìm kiếm cơ hội tương tự như vậy.
Một cơ hội nữa là công nghệ, sức ép ứng dụng của công nghệ chưa bao giờ lớn như bây giờ. Vì vậy, hỗ trợ của Nhà nước cần chuyển mạnh sang hỗ trợ hai khía cạnh này để tham gia chuỗi cung ứng mới, nâng cao vị thế, giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm. Đồng thời, nâng cao trình độ công nghệ trong đó trình độ quản trị, con người.
Để biến những cơ hội này thành hiện thực, theo bà Phạm Chi Lan, nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận hỗ trợ. Nếu hỗ trợ theo cách cũ sẽ không phù hợp với thời cơ mới. Chúng ta cần có doanh nghiệp tầm trung lớn mạnh. Sự thiếu vắng doanh nghiệp tầm trung lâu nay là thiệt thòi quá lớn với Việt Nam. Vì công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nhiều ở doanh nghiệp quy mô tầm trung. Chỉ những doanh nghiệp ấy mới kết nối được với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xem thêm: mth.12890451190401202-man-teiv-aoh-gnah-ohc-iom-gneit-hnad-gnud-yax/nv.ymonocenv