Dù dự án phủ sóng Internet bằng vệ tinh Starlink của công ty Space X (Mỹ) chưa được cấp phép tại Việt Nam nhưng tương lai người dùng Việt hoàn toàn có thể được sử dụng dịch vụ Internet này nếu Starlink đáp ứng được các quy định pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước (ISP) sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
INTERNET VỆ TINH CỦA STARLINK "BẤT LỢI" VỀ GIÁ
Hiện trên website của Starlink đã cho người dùng Việt ở các thành phố như Hà Nội, Tp.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,... đăng ký để sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh với giá đặt cọc trước là 99 USD (tương đương cước thuê bao hàng tháng tại Mỹ). Startlink dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho người sử dụng tại Việt Nam vào năm 2022.
Theo thông báo trên website, tốc độ dịch vụ là 50-150 Mbps với độ trễ thấp, chỉ ở mức 20-40 ms, và đến cuối năm tốc độ của Starlink sẽ tăng gấp đôi, lên mức tối đa 300 Mbps.
Nếu so sánh giá dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink với gói Internet băng rộng cố định có tốc độ tương đương của các ISP trong nước, có thể thấy dịch vụ của Starlink đắt hơn nhiều, gấp khoảng 7-10 lần.
Cụ thể, gói cước Internet của nhà mạng Viettel có tốc độ đường truyền là 30 Mbps - 250 Mbps có giá khoảng 370.000 đồng/tháng. FPT Telecom cũng có gói cước cá nhân với tốc độ 30-70 Mbps với giá thấp nhất là 210.000 đồng/tháng, trong đó gói siêu tốc độ từ 150Mbps có mức giá thấp nhất 720.000 đồng/tháng.
Hay VNPT, các gói cước Internet băng rộng cố định cho người dùng cá nhân cũng có giá khá rẻ, như gói Home 1 giá 151 nghìn đồng/tháng, tốc độ 30Mbps; Home2 là 175 nghìn đồng/tháng, tốc độ 50 Mbps; Home 3 là 207 nghìn đồng/tháng, tốc độ 70 Mbps…
Ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom, cho rằng gói cước Internet vệ tinh của Starlink "chào" ở Việt Nam có giá 99 USD (trên 2 triệu đồng) tương đương với gói 50 Mbps ở Mỹ. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định trong nước có các gói có tốc độ từ 50-60 Mbps nhưng người dùng chỉ phải trả trung bình khoảng 200 – 250 nghìn đồng/tháng.
"Như vậy giá Internet băng rộng cố định của Việt Nam rẻ hơn nhất nhiều lần so với giá Internet vệ tinh của Starlink, tức là về mặt giá cả thì Starlink không có lợi thế", ông Việt Anh nhận xét.
Tất nhiên, theo Tổng giám đốc FPT Telecom, bất lợi về giá này có thể thay đổi nếu Starlink đẩy được volume (số lượng) khách hàng lên với độ phủ sóng rộng khắp thì khi đó khoảng cách về giá sẽ thu hẹp và tính cạnh tranh của Startlink sẽ cao hơn.
CHƯA ẢNH HƯỞNG ĐẾN DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC
Người dùng để nhận được tín hiệu Internet từ vệ tinh (tất nhiên khi dự án Starlink đáp ứng đủ các điều kiện về quy định pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam – tức được phép cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại thị trường Việt) thì phải phải gắn chảo Starlink trên mái nhà của mình (tương tự như các dịch vụ truyền hình vệ tinh hiện nay) mới có thể sử dụng được dịch vụ.
Hoặc với những người dùng dịch vụ điện thoại di động muốn sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh này, theo ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cũng rất hạn chế vì phải là máy có thu sóng vệ tinh, thường là máy chuyên dụng (có tần số vệ tinh), chứ điện thoại bình thường không thể sử dụng. Trong khi điện thoại chuyên dụng sử dụng sóng vệ tinh ở Việt Nam rất ít và đắt.
Do vậy, theo ông Nam, ở góc độ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink (trong trường hợp được phép cung cấp ở Việt Nam) gần như cũng chưa ảnh hưởng gì tới các nhà cung cấp trong nước.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, Internet vệ tinh là một loại hình cung cấp dịch vụ Internet mới, mang lại những giá trị tiện lợi. Dịch vụ này có thể phát huy thế mạnh giúp phủ sóng Internet với băng thông rộng lớn với chất lượng tốt hơn, độ trễ thấp, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa kéo cáp hoặc đưa các trạm phủ sóng 3G, 4G khó khăn.
Theo ông Bình, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet Việt Nam hiện vẫn đang quan sát về dự án của Starlink. Tuy vậy, việc Starlink cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh ở Việt Nam (nếu được phép) thì ở góc độ cung cấp dịch vụ tại các khu vực đô thị, các nhà cung cấp dịch viễn thông, Internet trong nước cũng chưa lo lắng lắm.
Ông Tô Dũng Thái, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, việc xuất hiện thêm một nhà cung cấp dịch vụ mới, đặc biệt lại là của tập đoàn lớn mạnh toàn cầu, tất nhiên ít nhiều sẽ tác động và gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, do chưa rõ kế hoạch, phương án kinh doanh, cung cấp dịch vụ cụ thể của Starlink như thế nào nên chưa thể đánh giá được tác động của dịch vụ Internet vệ tinh này đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.