Giá thực phẩm toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm
Lê Linh
(KTSG) - Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tăng tháng thứ 10 liên tục, lên mức cao nhất trong 7 năm qua, làm dấy lên mối lo ngại lạm phát, gây gánh nặng cho túi tiền của người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Dù giảm nhẹ trong tháng Ba, chỉ số giá ngũ cốc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số giá thực phầm toàn cầu của FAO, vẫn đang cao hơn 26,5% so với cách đây một năm. Ảnh: Baking Business |
Hôm 8-4, Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, cho biết trong tháng 3, chỉ số thực phẩm thế giới tăng 2,1%, lên 118,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6-2014 và nối dài đà tăng sang tháng thứ 10 liên tiếp, Chỉ số này theo dõi biến động giá cả hàng tháng trên toàn cầu của 23 hạng mục hàng hóa thực phẩm với 73 sản phẩm được giao dịch phổ biến nhất.
Chỉ số giá ngũ cốc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO, giảm 1,7% trong tháng Ba, kết thúc đà tăng 8 tháng liên tục nhưng vẫn cao hơn 26,5% so với cách đây một năm. Trong tháng trước, giá lúa mì, bắp, lúa đại mạch và gạo đều giảm nhưng mức giảm không đáng kể nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Chỉ số giá đường cũng giảm 4% so với tháng 2, dù vậy, vẫn đang cao hơn 30% so với một năm trước đây, FAO cho hay. Các mức giảm trên không đủ bù đắp cho mức tăng lên ở các hạng mục thực phẩm khác. Trong tháng 3, chỉ số bơ sữa tăng 3,9%, do tình trạng khan hiếm container ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng như nhu cầu sữa bột tăng mạng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc,
Trong khi đó, chỉ số thịt tăng 2,3% nhờ nhu cầu thịt gia cầm và thịt heo tăng mạnh. Đáng chú ý, chỉ số dầu thực vật tăng vọt 8%, lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này duy trì sức mạnh nhờ giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và cải dầu tăng bền bỉ.
Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế đã tăng 10 tháng liên tục do các mối lo ngại về mức dữ trữ đang thắt chặt ở các nước xuất khẩu cộng với đà phục hồi của nhu cầu toàn cầu. Dầu đậu nành cũng tăng giá mạnh, chủ yếu nhờ triển vọng nhu cầu vững chắc, đặc biệt là từ lĩnh vực nhiên liệu sinh học.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO tiếp tục tăng ở tháng thứ 10 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2014. Ảnh: Bloomberg |
Giá thực phẩm tăng mạnh giữa lúc nguồn cung của nhiều thực phẩm thiết yếu thường ngày đang thắt chặt và Trung Quốc đẩy mạnh ‘vét hàng’, đặc biệt là bắp để chế biến thức ăn cho đàn heo đang phục hồi nhanh sau cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi. Điều này đe dọa đẩy tăng nhanh lạm phát, gây tổn thương cho một số nước nghèo phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu khi sức mua người dân của họ đang suy yếu do tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ bớt căng thẳng nhờ các vụ mùa lúa mì sắp tới ở bắc bán cầu.
“Nhìn chung, nguồn cung hiện nay đang đầy đủ. Sắp tới, chúng ta có thể chứng kiến giá cả thực phẩm tăng nhẹ hơn so với những tháng trước”, nhà kinh tế cao cấp Abdolreza Abbassian của FAO, nói.
FAO nhận định giá ngũ cốc thế giới trong năm 2021 sẽ tăng ở năm thứ ba liên tiếp dù sản lượng lúa mì được dự báo cải thiện ở Ấn Độ và nhiều nước ở châu Âu. FAO dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm nay sẽ tăng lên mức kỷ lục 785 triệu tấn. Sản lượng bắp cũng được dự báo lên mức kỷ lục ở Brazil và lên mức cao nhất trong nhiều năm ở Nam Phi.
Theo FAO, trong niên vụ 2020-2021, tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu sẽ đạt mức 2.777 triệu tấn, tăng 2,4% so với niên vụ trước khi Trung Quốc tiêu thụ một lượng lớn lúa mì và lúa đại mạch để chế biến thức ăn chăn nuôi,
Trong khi đó, lượng ngũ cốc dự trữ của thế giới vào cuối năm 2021 được dự báo giảm 1,7% so với hồi đầu năm nay, về mức 808 triệu tấn. Như vậy, tỷ lệ ngũ cốc dự trữ so tiêu thụ trong niên vụ 2020-2021 sẽ giảm về mức 28,4%, thấp nhấp trong 7 năm qua. FAO cũng nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thương mại của thế giới trong niên vụ này sẽ đạt 466 triệu tấn, tăng 5,8% còn sản lượng lúa gạo trên thị trường quốc tế sẽ tăng 6%.
Trong báo cáo hồi tháng trước, Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết giá các mặt hàng nông nghiệp trên thị trường quốc tế đã tăng 50% so với thời điểm vào giữa năm 2020. Nhà phân tích Charles Clack ở Rabobank nói có nhiều lý do khiến hàng hóa nông nghiệp như lúa mì, bắp, đậu nành, đường tăng giá mạnh trong thời gian qua bao gồm đồng đô la suy yếu, hiện tượng thời tiết La Niña gây tổn thất mùa màng, nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, một số nước hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, ông cho rằng tình trạng đầu cơ cũng đóng một vai trò. Ông nói các mức lãi suất thấp đang hút tiền của các nhà đầu tư vào các thị trường hàng hóa để kiếm mức lợi nhuận cao hơn. |
Theo Bloomberg, Reliefweb
Xem thêm: lmth.man-7-gnort-tahn-oac-cum-nel-gnat-uac-naot-mahp-cuht-aig/813513/nv.semitnogiaseht.www