Bảng đón chào ở sân bay quốc tế Sydney (Úc) - Ảnh: AFP
Theo đài France 24, một nhóm công dân Úc, đại diện cho hàng chục ngàn người bị mắc kẹt ở nước ngoài do chính quyền đóng cửa biên giới và cắt giảm chuyến bay do đại dịch COVID-19, đang gửi đơn khiếu nại chống Chính phủ Úc lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tháng 2-2020, Úc tuyên bố COVID-19 là đại dịch và đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của virus, trong đó có việc đóng cửa biên giới và giới hạn số chuyến bay cùng người Úc nhập cảnh. Đây là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có những biện pháp nghiêm ngặt như thế.
Nhưng một năm sau, những hạn chế đó vẫn còn áp dụng, khiến nhiều người Úc không thể về nhà, dù thủ tướng Úc từng hứa đưa tất cả công dân mắc kẹt ở nước ngoài trở về vào Giáng sinh 2020.
Những hạn chế này khiến nhiều người Úc bị kẹt ở nước ngoài lâm vào tình cảnh khó khăn: một số mất việc làm, tiêu xài hết tiền tiết kiệm và buộc phải vay nợ để sinh sống. Một số đau ốm hoặc phải chăm sóc người thân đau ốm.
Theo số liệu chính thức từ Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT), có tới 40.000 người Úc ở nước ngoài đăng ký muốn trở về gấp. Trong số này, 5.000 người được chính phủ phân loại là "dễ bị tổn thương".
Tuy nhiên, tuần trước, một số công dân Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài đã quyết định hành động: gởi thỉnh cầu lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva chống lại Chính phủ Úc mà họ cho là đã vi phạm luật nhân quyền.
Đó là Geoffrey Robertson QC, nhà vận động nhân quyền nổi tiếng người Úc gốc Anh; Jason, một nhà vi sinh vật sống ở Mỹ. Những người khiếu nại khác bao gồm một chuyên gia nghiên cứu núi lửa ở Melbourne và một gia đình từ Vương quốc Anh.
Geoffrey Robertson QC, mà công ty ông đại diện cho người sáng lập WikiLeaks Julian Assange, sẽ trình bày bản kiến nghị tại Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông phản đối việc hạn chế người Úc trở về vì chương trình cách ly bắt buộc 14 ngày do chính quyền các bang áp đặt đã giải quyết mọi đe dọa lây nhiễm do công dân trở về gây ra.
Trả lời đài ABC của Úc, ông Geoffrey Robertson cáo buộc Thủ tướng Úc Scott Morrison "hành xử như trong chân không đạo đức".
Cơ sở pháp lý cho kiến nghị trên là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Robertson nói đảm bảo quyền của một người được tự do rời khỏi đất nước của họ, và tuyên bố rằng không ai được "tùy tiện tước quyền vào đất nước của người đó".
Tình cảnh người Úc bị kẹt ở nước ngoài đã khiến xuất hiện những nhóm thiện nguyện giúp họ trở về. Trong số này có nhóm trực tuyến Stranded Aussies Action Network, chuyên giúp những người Úc giải quyết những vấn đề hậu cần cho việc trở về.
Đại diện nhóm, bà Lucy Morrell cho biết để trở về trên những chuyến bay rất hạn chế với chỉ tiêu người hạn chế, một người Úc phải trả từ 7.000 đô la Úc (4.500 euro) đến 9.000 đô la Úc (5.800 euro) cho một tấm vé "đáng tin cậy" đảm bảo cho họ một chỗ trên máy bay. Sau đó là 3.000 đô la Úc bắt buộc (1.900 euro) chi phí cách ly ở khách sạn.
Những người bị mắc kẹt cũng cáo buộc Chính phủ Úc sử dụng tiêu chuẩn kép: Trong khi công dân và thường trú nhân tranh giành nhau để có được suất bay về Úc, hàng ngàn cư dân tạm thời bao gồm nhiều người nổi tiếng như Matt Damon, Ed Sheeran, Julia Roberts, Natalie Portman, Dev Patel và các vận động viên quần vợt cùng đoàn tùy tùng khổng lồ của họ đã được chào mừng đến Úc tham gia Giải quần vợt Úc mở rộng vào đầu năm 2021!
Được biết, Úc hiện là một trong những nước không lâm vào tình trạng có số ca tử vong chấn động do COVID-19. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện Úc ghi nhận 909 trường hợp tử vong do virus corona chủng mới.
TTO - Một bác sĩ người Mỹ và 6 người khác đã đồng loạt ký vào đơn kiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cáo buộc WHO sơ suất nghiêm trọng trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.