Họ hi vọng tân bộ trưởng sẽ quan tâm hơn đến đời sống giáo viên không chỉ là đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần.
Từ năm 2006, khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận ra những bất cập về lương giáo viên và mong muốn cải cách để giáo viên sống được bằng lương. Thế nhưng, sau gần 20 năm và trải qua nhiều đời bộ trưởng, lương giáo viên hiện nay vẫn thuộc dạng "ba cọc ba đồng".
Và... sau giờ dạy chính khóa, nhiều giáo viên vẫn phải chạy sô dạy thêm ở trường tư thục, ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ. Nhiều người không dạy thêm được thì xoay xở với đủ nghề tay trái. Trong đó, việc bán hàng online hiện đang được nhiều giáo viên lựa chọn.
Tuy vậy, vấn đề khiến nhiều nhà giáo tâm tư hơn cả chính là vị thế người thầy đối với xã hội hiện nay. Trong nhiều group thảo luận trên mạng của giáo viên phổ thông, một số thầy cô giáo đã ta thán: nghề giáo hiện là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề.
Nguy hiểm là có thật khi thời gian gần đây, hàng loạt các vụ việc giáo viên bị hành hung ngay trong trường học đã diễn ra: từ chuyện em bị phạt, anh vào trường đánh thầy giáo gãy xương mũi đến vụ cô giáo mầm non bị phụ huynh hành hung đến mức có nguy cơ sẩy thai (ở Nghệ An), rồi vụ học sinh tát cô giáo ở Hà Nội, cô giáo đang giảng bài thì bị phụ huynh xông vào lớp đánh đến mức phải đi bệnh viện cấp cứu ở Long An...
Chưa hết, hệ thống quản lý các trường phổ thông một cách chồng chéo, nhiều bất cập như hiện nay cũng khiến vị thế người thầy ngày càng bị hạ thấp.
Liệu nhà giáo có giữ được vị thế người thầy trong mắt phụ huynh và học sinh, khi họ phải gọi cho từng phụ huynh nhắc nhở về việc đóng tiền xã hội hóa giáo dục; họ phải thuyết phục từng phụ huynh trong việc đồng ý sử dụng sổ liên lạc điện tử, trong việc đồng ý cho con tham gia ngoại khóa...?
Liệu nhà giáo có giữ được vị thế người thầy trong mắt phụ huynh và học sinh, khi họ không được tự quyết định các vấn đề về chuyên môn giảng dạy đối với các lớp mà mình phụ trách?
Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đối với ngành GD-ĐT cũng ngày càng cao khiến các thầy cô giáo phải liên tục học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ấy. Và họ có quyền yêu cầu một mức lương đủ sống, một môi trường làm việc an toàn.
Trong đó, nghề giáo phải được xã hội trân trọng, sự nỗ lực trong việc đổi mới của giáo viên được ghi nhận và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Đó là những đòi hỏi cần thiết để nhà giáo yên tâm giảng dạy, cống hiến sức lực - trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người và cảm thấy hạnh phúc với nghề của mình.
Rất hi vọng ở tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT...
TTO - "Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng", tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Xem thêm: mth.48185808001401202-oc-yaht-cac-auc-pahn-uht-al-ihc-gnohk/nv.ertiout