Tuần này, bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 đã nhóm họp và thống nhất sẽ chốt một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia vào giữa năm nay.
Quyết định này nằm trong kế hoạch tổng thể nhằm cải cách phương thức thu thuế đối với doanh nghiệp đa quốc gia tại các nền kinh tế G20.
Các bộ trưởng tài chính G20 đã có cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu nhằm chấm dứt vấn nạn trốn thuế. Một thỏa thuận hợp tác quốc tế về thuế cũng là yếu tố quan trọng để triển khai kế hoạch tài chính cho đề xuất hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
GIẢI QUYẾT LỖ HỔNG TRỐN THUẾ
"Bà Yellen nhấn mạnh rằng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là cần thiết và rằng đề xuất của bà phù hợp với tham vọng của G20", Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco, người chủ trì cuộc họp, cho biết. "Dù vẫn chưa giải quyết được một số vướng mắc để hoàn tất việc cải cách hệ thống thuế quốc tế đã được thảo luận nhiều năm qua, tất cả các bộ trưởng tài chính đều thống nhất sẽ đi đến một thỏa thuận trong cuộc họp tới - dự kiến vào tháng 7 tới".
Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco (trái) chủ trì cuộc họp trực tuyến của các nước G20 ngày 7/4 - Ảnh: AP
Theo Wall Street Journal, các chính phủ đã bắt đầu tìm cách để lấp các lỗ hổng pháp lý và hạn chế việc trốn thuế của các doanh nghiệp quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công tăng vọt. Nhiệm vụ này càng trở nên bức thiết hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tàn phá nghiêm trọng các nền kinh tế.
Với ý tưởng do Mỹ đề xuất, phương thức tiếp cận mới sẽ tập trung vào những địa điểm mà doanh nghiệp ghi nhận doanh thu (có khách hàng) hơn là vào địa điểm mà doanh nghiệp đó đặt trụ sở. Điều này đồng nghĩa nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn tại châu Âu và các quốc gia khác, đồng thời nộp ít hơn tại Mỹ. Đổi lại, Mỹ được phép đánh thuế nhiều hơn với các doanh nghiệp châu Âu bán hàng và dịch vụ cho người tiêu dùng Mỹ.
Cải cách thuế quy mô toàn cầu này sẽ gồm 2 phần: Đưa ra một mức thuế tối thiểu và thiết lập một hệ thống điều chỉnh thuế doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận thu được tại mỗi quốc gia, bất kể doanh nghiệp đó đặt trụ sở ở đâu.
Nhiều năm qua, các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook... thường lách thuế bằng cách đặt trụ sở tại những quốc gia có thuế doanh nghiệp thấp.
Tại kỳ họp mới đây giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF nhấn mạnh rằng các chính phủ đã thất thu một lượng tiền thuế lớn do nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách chuyển tiền tới các "thiên đường thuế". Bà Gopinath khẳng định trốn thuế đang là một vấn nạn lớn toàn cầu và cần một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để.
CHÂU ÂU ỦNG HỘ NHIỆT LIỆT
Hầu hết các chính phủ châu Âu ủng hộ việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu. Từ lâu, họ cho rằng doanh nghiệp công nghệ Mỹ kinh doanh tại châu Âu đáng ra phải nộp thuế nhiều hơn.
Thời gian qua, các chính phủ châu Âu đã đưa ra hàng loạt mức thuế suất đặc biệt đối với dịch vụ số của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ, một phần để tăng nguồn thu và một phần để gây áp lực nhằm đạt được một thỏa thuận chung về thuế trên toàn cầu.
Đáp lại kêu gọi áp mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh rằng "một thỏa thuận thuế toàn cầu đang trong tầm tay và phải nắm lấy cơ hội này".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ chấm dứt cuộc đua "ghìm thuế" của các quốc gia trên toàn thế giới. Ông Scholz khẳng định thỏa thuận thuế tối thiểu phải bao gồm quy tắc về phương thức đánh thuế đối với lợi nhuận từ hoạt động xuyên biên giới của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Mỹ. Người phát ngôn Daniel Ferrie cho biết EC kêu gọi tất cả đối tác trên toàn cầu tham gia thực hiện sáng kiến này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù các quốc gia có thể thống nhất về việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu, nhưng áp dụng thuế suất bao nhiêu lại là một vấn đề khác, không dễ tìm được tiếng nói chung.
Đặc biệt, việc thống nhất một mức thuế chung tại châu Âu không hề dễ dàng bởi hiện tại, thuế suất doanh nghiệp tại các quốc gia trong khu vực này dao động từ 9% ở Hungary, 12,5% ở Ireland cho tới 32% tại Pháp hay 31,5% ở Bồ Đào Nha.
Hiện tại, chưa có đề xuất về mức thuế cụ thể nào được đưa ra, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán thuế suất sẽ từ 12,5% đến 21%.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, khác với các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhiều quốc gia nhỏ sẽ chịu thiệt thòi nếu áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Các quốc gia này sẽ không còn lợi thế cạnh tranh về thuế để thu hút đầu tư.
Xem thêm: nhc.78810637001401202-euht-gnoud-neiht-cac-aoh-ueih-ov-hnam-pahp-neib-oc-pas-02g/nv.fefac