Vướng mắc này khiến hàng triệu m3 nước được tích trữ ở lòng hồ thuỷ lợi Ia Mơ chưa được sử dụng, trong khi hàng nghìn người dân nằm dưới chân hồ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng.
Ông Rơ Mah Trăm (ngụ làng Klăh, xã Ia Mơ) đứng bên hồ thuỷ lợi Ia Mơ được đầu tư hàng nghìn tỷ, chỉ tay về phía trước mặt và bảo: “Kia là 8 sào lúa của nhà mình, chỉ cách hồ thuỷ lợi Ia Mơ khoảng 500m, và cách kênh chính 200m nhưng đang phải bỏ hoang.
Từ khi hồ thuỷ lợi và kênh chính hoàn thành, ruộng lúa nhà mình chưa lấy được một giọt nước nào mà phải trông chờ nước mưa. Ở vùng biên giới này, nắng khô khốc, cây rừng còn khó sống thì cây lúa thiếu nước lên sao được. Mỗi năm làm 1 vụ lúa nhưng trời “cho” thì ăn, trời không “cho” thì đói”.
Không chỉ những cánh đồng bỏ hoang, người dân bên dưới công trình thuỷ lợi Ia Mơ cũng đang khát nước sinh hoạt. Lâu nay, người dân xã Ia Mơ lấy nước sinh hoạt từ suối, tuy nhiên do trên địa bàn xã có nhiều công trình lớn đang xây dựng, nên nước suối bị ô nhiễm.
Anh Kpă Pui (ngụ làng Klăh) chia sẻ, từ khi làm cầu, làm kênh nước suối đục ngầu, nhưng không có nguồn nước nào nữa nên dân vẫn lấy về sinh hoạt. Năm 2018, người dân thấy hồ thuỷ lợi Ia Mơ có nước đã rất kỳ vọng sẽ giải được “cơn khát” ở vùng đất này. Nhưng 2 năm qua, sự kỳ vọng biến thành thất vọng, khi thấy nước đó nhưng không làm được gì.
Bà Ksor H’Blâm – già làng làng Krông, xã Ia Mơ cũng không giấu được sự thất vọng: Từ khi manh nha dự án thuỷ lợi này, người dân đã ủng hộ và mong chờ. Từ khi manh nha dự án đến giờ đã 16 năm rồi, dân vẫn phải chờ nước. Giờ mong làm sao nước từ hồ thuỷ lợi đổ về cho người dân ở đây yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống, bảo vệ biên cương.
Hiện xã Ia Mơ có cánh đồng lúa 600ha nằm sát dưới chân công trình thuỷ lợi Ia Mơ, nhưng chưa có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước tỏa đi. Ngoài ra, dự kiến có 8.500ha đất của xã Ia Mơ sẽ được quy hoạch làm vùng tưới, tuy nhiên đến nay vẫn đang nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, hiện trên địa bà xã vùng tưới 8.500ha đang vướng chuyển đổi sang đất nông nghiệp, trong đó có 4.000ha đất rừng và 4.500 đất khác. Nói 4.000ha đất rừng nhưng thực chất cây cối trên đó không có bao nhiêu. Việc chưa chuyển đổi được đất rừng sang đất nông nghiệp nên cũng chưa triển khai được kênh mương nội đồng dẫn nước. Chưa có nước tưới, người dân ở đây chỉ sản xuất được 1 vụ lúa trong năm. Một vụ này cũng phụ thuộc vào thiên nhiên nên sản lượng thấp.
“Hiện 4.000ha vùng tưới của thuỷ lợi Ia Mơ bên Đăk Lăk đã hoàn thành việc chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Thời gian tới, nước từ hồ Ia Mơ theo kênh chính dẫn sang Đăk Lăk phục vụ sản xuất của người dân. Khi đó sẽ xảy ra chuyện, người dân Ia Mơ nhìn thấy nước chảy từ kênh chính qua Đăk Lăk, mà ước ao nhưng không thể làm gì được”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thực trạng.
Ông Vũ Đình Hạnh – Chủ tịch UBND H. Chư Prông cho biết, muốn chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp ở mức quy mô này thì cần phải trình Quốc hội xin ý kiến, phê duyệt chủ trương. Huyện và tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng để thúc đẩy sớm được chuyển đổi. Huyện rất kỳ vọng khi công trình hoàn thành sẽ sắp xếp lại dân cư, khai thác được quỹ đất vùng tưới để gắn với hiệu quả dự án.