Các thành viên nhóm lãnh đạo 4G của Singapore trong một bức ảnh chụp chung năm 2018. Ông Vương Thụy Kiệt đứng thứ 6 từ trái sang phải, ông Trần Chấn Thanh và ông Vương Ất Khang lần lượt đứng thứ 5 và 7 từ trái sang phải - Ảnh: AFP
Tạp chí The Economist bình luận việc ông Vương rút lui là "một khoảnh khắc kịch tính hiếm hoi trong chính trường vốn tẻ nhạt của Singapore". Bởi lẽ từ sau thế hệ đầu tiên của ông Lý Quang Diệu, những ai được Đảng Hành động nhân dân (PAP) quy hoạch làm lãnh đạo đều trở thành thủ tướng hoặc bộ trưởng trong Chính phủ Singapore.
Chọn người kế nhiệm vẫn là một nhiệm vụ cấp bách và không thể bị hoãn lại vô thời hạn.
Thủ tướng Lý nhấn mạnh trong thông cáo ngày 9-4. Nhà lãnh đạo 69 tuổi của Singapore hi vọng ông sẽ tìm được một gương mặt mới trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Khoảng trống quyền lực lớn
Kể từ năm 2018, với tư cách là người đứng đầu nhóm tinh hoa thế hệ thứ 4 của Singapore (còn gọi là nhóm 4G), ông Vương được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng Singapore sau khi ông Lý nghỉ hưu.
Việc ông bất ngờ ra đi buộc PAP, trực tiếp là nhóm 4G, phải thảo luận và tìm ra phương án nhân sự mới giữa lúc Singapore vẫn chưa thoát khỏi đại dịch COVID-19.
"Chúng tôi đã đề nghị ông Lý Hiển Long tiếp tục giữ chức thủ tướng đến khi có một người kế nhiệm mới được nhóm 4G lựa chọn và sẵn sàng tiếp quản công việc. Chúng tôi rất biết ơn vì Thủ tướng Lý đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi", nhóm 4G thông báo.
Tuy nhiên, nhóm này nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Singapore lúc này là "giải quyết những thách thức cấp bách trước mắt của Singapore, đảm bảo đưa Singapore vươn lên mạnh mẽ hơn từ khủng hoảng COVID-19".
Việc ông Vương không còn là người kế thừa ông Lý, dù về hình thức là chuyện nội bộ của PAP nhưng lại ảnh hưởng đến tương lai cả Singapore. Kể từ khi giành được độc lập đến nay, quốc gia này đã liên tục được dẫn dắt bởi các lãnh đạo thuộc PAP.
"Sự kế nhiệm chính trị ở Singapore, giống như hầu hết những thứ khác, được lên kế hoạch tỉ mỉ trước nhiều năm bởi những người đứng đầu PAP", The Economist viết. Sự rút lui của ông Vương, theo tạp chí của Anh, đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo PAP sai sót trong việc "quy hoạch" lãnh đạo.
Theo Đài Channel News Asia (CNA), ông Vương vẫn sẽ là thành viên của nhóm 4G và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách kinh tế. Tuy nhiên, ông sẽ rời khỏi ghế bộ trưởng trong cuộc cải tổ nội các dự kiến diễn ra trong 2 tuần nữa.
Trong thông báo ngày 8-4, ông Lý Hiển Long xác nhận ông Vương vẫn sẽ là trợ lý thứ nhất của tổng thư ký PAP, tức trợ lý của ông trong đảng đang nắm quyền ở Singapore.
"Quyết định dũng cảm"
Theo kế hoạch ban đầu, ông Lý sẽ rời khỏi chính trường vào năm 2022 và nhường lại vai trò cho ông Vương. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cuộc tổng tuyển cử tháng 7-2020 đã khiến mọi thứ đi theo chiều hướng khác.
Thủ tướng Lý tuyên bố gác lại ý định nghỉ hưu trước 70 tuổi, cam kết sẽ "lái con thuyền Singapore" qua đại dịch một cách nguyên vẹn trước khi giao lại cho người kế nhiệm.
Trong lá thư được công bố ngày 8-4, Phó thủ tướng Vương bày tỏ hi vọng sẽ có người giỏi và trẻ hơn thay ông trở thành người kế nhiệm ông Lý. Ông nhắc đến COVID-19 và cho rằng mình sẽ không đủ thời gian để làm nhiều việc cho Singapore.
"Vì cuộc khủng hoảng còn kéo dài, cho đến khi nó kết thúc, có lẽ tôi cũng đã ở độ tuổi 65" - ông Vương viết và so sánh với 3 thủ tướng đầu tiên của Singapore, những người đã bắt đầu nhiệm kỳ ở tuổi trên 40 hoặc xấp xỉ 50.
Cựu thủ tướng Ngô Tác Đống, người đang giữ vai trò cố vấn cấp cao trong chính quyền Lý Hiển Long, gọi hành động của ông Vương là "một quyết định dũng cảm và vị tha vì lợi ích của Singapore". Một số nhà phân tích cho rằng việc ông Vương lùi về sau là hợp lý vì lý do sức khỏe.
Theo họ, dù ông có công trong việc giúp Singapore vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 - 2008), ông lại thiếu sự hấp dẫn của một chính trị gia chuyên nghiệp. Với những người có cảm tình với ông Vương, việc ông ra đi sẽ giúp người kế nhiệm tiếp "có được một đường băng dài hơn để chạy đà" và đưa Singapore cất cánh sau đại dịch bằng các chính sách có tính tiếp nối.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích do quá trình lựa chọn người kế nhiệm sẽ mất nhiều thời gian nên PAP quyết định công bố việc ông Vương rút lui vào thời điểm hiện tại.
Ông cam kết: "Người dân sẽ được biết các tiến triển mới. Giống như một công ty đã niêm yết, chúng tôi có nghĩa vụ phải công khai mọi thứ trong thời gian sớm nhất có thể và đó là những gì chúng tôi vừa làm".
Lộ diện 4 ứng viên
Thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore hiện có 32 người đang giữ các chức bộ trưởng hoặc tương đương thứ trưởng và các chức vụ khác trong Chính phủ Singapore.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, danh sách những người có tiềm năng kế thừa ghế thủ tướng chỉ có 4: Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Trần Chấn Thanh, Bộ trưởng Giao thông Vương Ất Khang, Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Tuần Tài và Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lý Trí Thăng.
Bộ trưởng Trần Chấn Thanh và Bộ trưởng Vương Ất Khang đã lên tiếng khẳng định nhóm 4G vẫn sẽ đoàn kết sau sự việc lần này.
Cả hai khẳng định nhóm 4G không chọn "sếp mới" mà chỉ chọn người có khả năng tìm kiếm và tập hợp một đội ngũ mạnh nhất giúp Singapore phát triển. Ông Trần Chấn Thanh là người được "quy hoạch" làm phó thủ tướng, nếu ông Vương Thụy Kiệt lên thay ông Lý Hiển Long.
TTO - Phó thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt, người được kỳ vọng sẽ đảm nhận ghế thủ tướng của ông Lý Hiển Long, tuyên bố sẽ không giữ vai trò người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore kể từ ngày 8-4.
Xem thêm: mth.43322401101401202-iul-tur-eropagnis-gnout-uht-ek-auht-iougn/nv.ertiout