Khuynh hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam
Quốc Hùng
(KTSG) - Trong mục tiêu chinh phục thị trường tiêu dùng Việt Nam gần 100 triệu dân, tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản có khuynh hướng thúc đẩy bán lẻ nhiều hơn, thay vì tập trung đầu tư sản xuất.
Ảnh: Quốc hùng |
Dòng tiền phi sản xuất tăng
Gần đây, công ty thực phẩm Meiji của Nhật Bản đã công bố lập chi nhánh để kinh doanh sữa bột cho trẻ em tại Việt Nam. Với vốn điều lệ khoảng 200 triệu yen (khoảng 42 tỉ đồng), Meiji Food Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động trong tháng 4-2021. Nikkei dẫn nguồn từ Meiji cho biết việc doanh nghiệp này thành lập công ty con được thúc đẩy từ con số 1,5 triệu ca sinh mỗi năm ở Việt Nam và con số dự báo còn tiếp tục tăng. Tuy vậy, Meiji cho biết chưa có kế hoạch xây nhà máy sản xuất ở Việt Nam mà chỉ nhập hàng về bán.
Tương tự, tập đoàn đa ngành Sojitz vừa đạt thỏa thuận lập liên doanh với Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) - công ty do Vinamilk nắm phần vốn chi phối, với vốn ban đầu 2 triệu đô la Mỹ. Liên doanh này sẽ nhập khẩu, chế biến và bán các sản phẩm thịt bò ở Việt Nam. Theo Sojitz, lượng thịt bò tiêu thụ hàng năm ở Việt Nam gần 500.000 tấn (thị trường Nhật là 1 triệu tấn) và được dự báo còn tăng lên khi mức thu nhập và dân số tiếp tục tăng. Tại Nhật, Sojitz Food - công ty con của Sojitz, xử lý việc nhập khẩu và bán thịt bò từ Bắc Mỹ và Úc. Doanh nghiệp này sẽ làm việc với Vinamilk để đưa hàng vào mạng lưới bán hàng của Vinamilk.
Trước đó, Miki House - thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM. Theo ông Senda Hiroshi, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Miki House, nhiều du khách Việt Nam từng nhiều lần sang Nhật mua hàng của Miki House, giờ đây, họ sẽ mua được hàng ngay trong nước.
Nhưng sôi động hơn cả phải kể đến các doanh nghiệp thuần bán lẻ. Cuối tháng 11-2020, thương hiệu Muji đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TPHCM với danh mục hơn 5.000 mặt hàng. Dù còn trong thời dịch bệnh nhưng ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc Muji Việt Nam, vẫn đặt tham vọng sẽ mở thêm một số cửa hàng khác ở TPHCM và Hà Nội. Chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ với đa dạng sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất, mỹ phẩm cho đến quần áo này cũng đang xem xét việc mở cửa hàng ở các tỉnh thành khác. Trước đó, vào tháng 10-2020, Matsumoto Kiyoshi cũng cho khai trương cửa hàng đầu tiên ở trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (TPHCM), đánh dấu sự gia nhập thị trường Việt Nam của chuỗi kinh doanh hàng dược - mỹ phẩm hàng đầu xứ sở mặt trời mọc. Theo kế hoạch, Matsumoto Kiyoshi sẽ mở 10 cửa hàng trong vòng 3-5 năm tới.
Những doanh nghiệp này đang tiếp tục nối dài danh sách các nhà bán lẻ Nhật Bản tại thị trường Việt Nam dù trong bối cảnh dịch bệnh. Những thương hiệu đã có mặt trước đó cũng có xu hướng mở rộng hoạt động. Hồi tháng 12 năm ngoái, Aeon đã đưa vào khai thác trung tâm thương mại (TTTM) thứ sáu ở Việt Nam của mình đặt tại Hải Phòng. Đi cùng với nhà phân phối có thâm niên hơn 250 tuổi này là hàng loạt thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Nhật Bản. Với mục tiêu phát triển 20 TTTM tại Việt Nam đến năm 2025, Aeon vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh thành khác.
Có thể thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, thời gian qua, dòng vốn từ Nhật Bản đổ vào các hoạt động phi sản xuất tại Việt Nam tăng lên đáng kể.
Liên hệ với sự kiện thương hiệu thời trang Uniqlo vừa khai trương thêm cửa hàng thứ bảy của họ tại Vạn Hạnh Mall (TPHCM) hồi đầu tháng 3 vừa qua, ông Hirai Shinji nhận định: “Uniqlo là nhãn thời trang nổi tiếng. Một khi quyết định mở kinh doanh ở đâu là họ đã có sự nghiên cứu thị trường khá kỹ lưỡng. Việc Uniqlo liên tiếp nhân rộng điểm bán hàng tại TPHCM và Hà Nội sẽ kéo theo sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật khác”. Ông Hirai Shinji cho biết ông tin rằng mức đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực bán lẻ cũng như các hoạt động phi sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn sau hơn một năm chính thức hoạt động tại Việt Nam, ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết việc kinh doanh tốt hơn cả mong đợi. “Chúng tôi bắt đầu hướng đến thị trường Việt Nam từ 7-8 năm trước nhưng mới đi đến quyết định đầu tư cách nay ba năm, thời điểm mà chúng tôi đánh giá Việt Nam đã hội đủ các điều kiện thích hợp như về thu nhập người dân, về phát triển kinh tế, thị hiếu tiêu dùng... để Uniqlo có thể gia nhập thị trường. Tin vui là thời gian qua, các cửa hàng Uniqlo đã nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng”, ông Ikezoe nói và cho biết Uniqlo sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở các cửa hàng truyền thống với diện tích lớn, nằm ở những vị trí đắc địa.
Không riêng Uniqlo, Ryohin Keikaku - công ty mẹ của Muji cũng đã nhắm đến thị trường Việt Nam từ năm năm trước, và sau thời gian dài nghiên cứu thị trường, mãi đến năm 2019 mới công bố gia nhập thị trường. Trước thời điểm kinh doanh tại Việt Nam, Muji đã tái cấu trúc hoạt động kinh doanh ở thị trường Mỹ, đóng cửa những cửa hàng không mang lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, sức mua suy giảm tại Trung Quốc và bản quốc cùng tâm lý bài hàng Nhật ở thị trường Hàn Quốc khiến việc chuyển hướng đến thị trường Việt Nam được cho là phương án thay thế cần thiết để phân tán rủi ro cho doanh nghiệp này.
Cũng thấy rõ vai trò “bà mối” của JETRO trong nhiều năm qua, đã kết nối doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản với các nhà mua hàng ở Việt Nam. Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM nhận định: “Tôi cho rằng thu nhập của người dân tăng lên là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp Nhật hướng đến thị trường Việt Nam”. Ông cũng dự báo xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi nước này vẫn còn khá nhiều các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon, Family Mart, MiniStop, 7-Eleven...
Thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra dịch Covid-19 luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể mức tăng của những năm 2019 trở về trước là trên 10%/năm. Đáng chú ý, năm 2020 dù bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng doanh số đạt hơn 172 tỉ đô la, tăng 6,8% so với năm 2019. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong hai năm nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỉ đô la. |
Nhưng giá bán vẫn... “chát”!
Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam hiện được đánh giá thuộc tốp hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng cũng có tính cạnh tranh khốc liệt. Hàng Nhật với điểm cộng chất lượng cao đang có lợi thế hơn hàng hóa từ các nước khác trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, song giá bán vẫn “chát” so với mức thu nhập trung bình của người dân trong nước. Chính ông Hirai Shinji cũng thừa nhận hàng Nhật hiện chỉ có thể phục vụ nhóm khách hàng tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam. Và đa số doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn nhắm đến nhóm khách hàng đông hơn thuộc tầng lớp trung lưu, không chỉ ở Hà Nội và TPHCM mà cả nhu cầu trên thị trường các tỉnh thành khác.
JETRO cho biết sau nhiều kỳ tổ chức triển lãm và trao đổi với các nhà mua hàng và người tiêu dùng, tổ chức này đã có những lưu ý và đề xuất với các nhà cung ứng Nhật Bản những tiêu chí sản phẩm giúp tiếp cận thị trường Việt Nam hiệu quả hơn, đó là ngoài chất lượng cao, an toàn, tính tiện ích, còn phải có mức giá hợp lý. Điều này đặt ra yêu cầu về giảm chi phí sản xuất, giảm kích thước, dung tích sản phẩm...
Cũng theo ông Hirai Shiji, qua khảo sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp Nhật sẽ lên kế hoạch đầu tư sản xuất hoặc nhập khẩu hàng vào Việt Nam bán, nhưng khuynh hướng thấy rõ là việc điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp với số đông khách hàng ở thị trường Việt Nam. “Nhiều doanh nghiệp mong muốn làm được điều như Acecook đã làm được ở Việt Nam, bao gồm phát triển ở tại chỗ nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và thương hiệu lan tỏa rộng khắp”, ông Hirai Shiji chia sẻ.
Xem thêm: lmth.man-teiv-o-nab-tahn-peihgn-hnaod-auc-iom-ut-uad-gnouh-hnyuhk/432513/nv.semitnogiaseht.www