Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức vào sáng 10-4.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cho hay Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị
Xuất phát từ yêu cầu đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu.
Nhấn mạnh thực tiễn không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ sự phát triển của ngành này ở Việt Nam thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, phụ thuộc vào nhập khẩu, dù đã có những kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo ông, một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành còn thiếu và yếu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao. Trong khi đó, năng lực sản xuất công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò quyết định đến sự thành công của phát triển ngành.
Thảo luận về những chính sách cho ngành vật liệu công nghiệp TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP đã xác định 1 số ngành công nghiệp trọng điểm để tập trung phát triển với 2 nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức (thứ 2 từ phải qua) cho biết TP có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển
"Chính sách đặc sản của TP HCM là kích cầu đầu tư với các ngành công nghiệp trọng điểm, có yếu tố công nghệ cao. Theo đó, TP cho vay vốn kích cầu, tất cả lãi suất do TP chi trả khi có dự án tốt được thông qua bởi hội đồng thẩm định. Thời gian vay tối đa 7 năm, có dự án đặc biệt lên đến 10 năm. Từ những dự án này đã ra được sản phẩm, tạo được những doanh nghiệp có tầm thế giới" - ông Dương Anh Đức thông tin.
Ngoài ra, TP HCM cũng luôn quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ý thức được phát triển dựa trên khoa học công nghệ...