Người thợ 60 năm sửa khóa kéo - Ảnh: VŨ TUẤN
"Có những chiếc áo, chiếc quần đã rất cũ kỹ, nhưng người ta vẫn mang đến sửa khóa để làm kỷ niệm. Tôi giữ nghề này không phải vì tiền bạc mà vì kỷ niệm của khách, đa số họ là khách quen" - ông Khang, người thợ 60 năm sửa khóa ở phố cổ Hà Nội, tâm sự.
Học nghề vì không được đi bộ đội
Bức tường kẹp giữa hai căn nhà 61 và 63 phố Hàng Đường là "cửa tiệm" nửa thế kỷ của ông Nguyễn Hữu Khang. Người thợ 81 tuổi, 60 năm tuổi nghề, tỉ mẩn chuốt lại từng chiếc răng khóa bé bằng nửa hạt gạo. Tôi tìm khắp phố cổ Hà Nội, hình như chỉ còn hai người làm nghề này. Một là ông Khang, người còn lại là con dâu ông.
Ông Khang tóc bạc trắng, gần một thế kỷ chứng kiến bao nỗi buồn vui của Hà Nội. Ông nhớ năm 1960, vợ chồng ông sinh con đầu lòng cũng là năm ông mở cửa tiệm. Nói là cửa tiệm cho sang chứ thực ra ông Khang chỉ có một cái bàn gỗ, vài chiếc kìm và một mớ khóa hỏng. Ông sửa khóa, sửa đèn pin, khắc bút, viết bằng khen thuê...
"Tôi nộp đơn xin đi bộ đội không được vì sức khỏe yếu, đi làm công nhân cũng không được", người thợ già nói cơ duyên đến với nghề như thế. Dãy phố cổ từ Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, qua chợ Đồng Xuân đến Hàng Đậu khi xưa sầm uất bậc nhất Hà Nội.
Sau giải phóng năm 1954, dần dần người buôn bán rời bỏ cửa tiệm. Phần vì hệ quả chiến tranh, phần góp vào hợp tác xã, những người bám mặt đường kiếm sống như ông Khang phải tự học nghề thủ công.
"Tôi là một trong năm người đầu tiên vào nghề khắc bút ở Hà Nội. Cửa hàng nhỏ phải làm đủ thứ nghề mới đủ nuôi sống gia đình. Đến giờ những nghề thủ công xưa ở dãy phố này gần như không còn", ông Khang mắt rưng rưng nhìn ra dãy phố nườm nượp người xe.
Ông kể nghề vẽ truyền thần ngày xưa bây giờ chỉ còn một vài người làm, anh hàn dép đã chuyển sang hàn yếm xe máy, cô thợ may chuyên "lộn cổ sơmi, đắp miếng rách đầu gối quần" đã bỏ nghề. Nghề khắc bút, viết bằng khen như ông cũng không còn mấy ai thuê, chỉ giữ được nghề sửa khóa.
Ông Khang chìa bàn tay phải, hai đốt ngón tay lõm sâu, oằn cong vì cầm bút khắc, dùi gỗ, kìm bấm. "Ngày ấy, ai ra chiến trường cũng mang bút đi khắc để tặng lại người thân.
Tôi đã khắc không biết bao cây "Trường Sơn" hình ảnh đôi chim bồ câu hạnh phúc đang lồng cánh vào nhau, bên dưới là một dải lụa, ghi những ngày tháng kỷ niệm", ông kể.
Câu chuyện đầy kỷ niệm của ông Khang bị cắt ngang vì một người khách tới. Người phụ nữ đi xe máy, mang một chiếc áo khoác màu xanh và một chiếc túi da đến sửa khóa.
Ông Khang nhận chiếc áo rồi hẹn lại khách mười lăm phút sau đến lấy áo rồi để lại túi sau. Ông không muốn khách chờ vì con phố này không được dựng xe dưới lòng đường.
Chiếc áo khoác cũ, gấu áo sờn nhiều chỗ là món quà kỷ niệm của khách. Ông Khang tỉ mẩn tháo vài chiếc răng khóa nhỏ bằng nửa hạt gạo, khéo léo lôi chiếc đầu khóa (con trượt) ra, rồi lại lắp một con trượt mới, hình dáng y chang vào cho khách.
Ông kéo thử, chỉnh răng khóa, bôi nến trơn rồi ghim đầu khóa bằng một chiếc ghim nhôm, nhỏ xíu giấu dưới gấu áo.
Trong chiếc tủ đồ nghề cũ kỹ là hơn chục chiếc hộp nhựa. Cơ man là mắt khóa, con trượt, kìm bấm, phụ kiện... Người thợ già chìa chiếc con trượt có khắc nhãn YKK. Người trong nghề đều biết YKK là hãng cung cấp khóa kéo cho các ông lớn thời trang thế giới.
Từ Adidas, Humbgo, Nasa, Louis Vuitton... đều dùng chiếc khóa kéo YKK. Thậm chí, các chị mê hàng hiệu chỉ cần nhìn chiếc khóa, nếu không phải YKK thì chắc chắn là "hàng fake". Ông Khang cũng chỉ dùng phụ kiện ấy để giữ lại độ "zin" cho khách.
"Có những chiếc áo của khách nếu bán đi không đủ tiền mua chiếc khóa này. Tôi vẫn thay cho khách vì họ muốn giữ làm kỷ niệm. Kỷ niệm thì quý lắm! Anh tưởng tượng, thời chiến tranh, người thân tặng anh một chiếc áo rồi họ hi sinh...
Tôi gặp nhiều khách lắm. Khi thì chiếc áo kỷ niệm ngày cưới, khi thì chiếc ví, khi chiếc cặp... Cứ dịp kỷ niệm, ngày lễ gia đình, họ đem ra mặc. Đáng trân trọng lắm!".
"Vốn liếng" tích cóp trong 60 năm làm nghề của người thợ già sửa khóa Hà Nội chính là hàng trăm thứ phụ kiện nhỏ li ti.
Chiếc nào hỏng được ông bỏ vào một chỗ, những chiếc khác, mỗi loại, mỗi công dụng khác nhau được ông để ở những ngăn tủ riêng, nhưng chỉ có ông mới biết công dụng của từng loại ấy.
Những món đồ cũ nhưng có thể là kỷ niệm vô giá của khách - Ảnh: VŨ TUẤN
Vui buồn với bao kỷ niệm
Sửa khóa kéo một chiếc ví nhỏ, ông Khang nói cả một trời ký ức của khách. Khách của ông chủ yếu là khách quen. Có người gửi xe máy ở đầu phố, mang đồ đến sửa rồi tâm sự với người thợ về những câu chuyện của món đồ.
Năm 1968, Hà Nội phải sơ tán vì Mỹ ném bom. Ông Khang trụ lại khu phố. Vừa sửa khóa, sửa đèn pin vừa làm "công tác dân phố", giúp bộ đội quan sát máy bay, đếm bom rơi, hướng dẫn người đi đường vào hầm trú ẩn.
"Đường phố lúc ấy vắng lắm. Hồi trẻ tôi không đi bộ đội được nhưng vẫn muốn góp sức cho đất nước. Làm nghề ngày ấy chủ yếu sửa miễn phí cho người cơ nhỡ, cho bộ đội", ông Khang nhớ lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, cửa tiệm của ông đông khách hơn. Các món đồ chủ yếu được người đi bộ đội gửi từ miền Nam ra. "Nhiều người nhận được quà của người thân cùng với giấy báo tử. Những món đồ ấy với họ là vô giá", ông Khang tâm sự.
Ông cũng nhớ người phụ nữ với chiếc áo khoác đỏ cách đây gần 30 năm. Năm 1994, chợ Đồng Xuân cháy rụi. Người buôn bán trong chợ dựng tạm lều bán hàng dọc phố Hàng Đường trước cửa nhà ông. Hôm ấy có một người phụ nữ đến, chị chỉ kịp vứt chiếc áo vào cửa tiệm rồi đi ngay vì chợ đông.
Khi sửa áo, ông Khang giật mình vì trong túi rơi ra chùm chìa khóa và một bọc tiền nước ngoài. Khách đông, chợ đông, người thợ già cất vào tủ chờ khách mà chỉ lo trộm cướp.
Phải hai tiếng đồng hồ sau, người chủ chiếc áo quay lại, ông Khang nhắc khách mới giật mình nhớ ra chùm chìa khóa nhà và cục tiền chồng cô mới gửi về.
"Chồng chị ấy làm việc bên Đức. Hơn chục năm sau, người chồng và chị lại tìm đến. Tôi chỉ nhớ câu chuyện ngày hôm ấy chứ không nhớ chị. Họ nhắc lại, cảm ơn tôi, hỏi thăm sức khỏe rồi chúc tết gia đình tôi. Vài năm sau thì chồng chị ấy mất vì ung thư, thỉnh thoảng chị qua chỗ tôi sửa đồ, vẫn chiếc áo khoác đỏ ấy, cũ kỹ, lỗi mốt nhưng chị ấy vẫn mặc nó vì đó là kỷ niệm của chồng".
Con phố Hàng Đường nhan nhản cửa hàng bán quần áo. Gian nhà mặt tiền vài chục mét vuông cho thuê mỗi tháng cũng hơn chục triệu đồng. Thế nhưng ông Khang vẫn giữ nghề sửa khóa kéo như một niềm vui.
Cách nhà ông Khang vài trăm mét có cả một dãy bán khóa kéo, phụ kiện may mặc. Chiếc áo hỏng, người ta bỏ đi mua áo mới hoặc thay nguyên cái khóa. Thế nhưng nhiều người vẫn tìm đến ông Khang sửa khóa. Họ muốn giữ lại kỷ niệm, may thay Hà Nội còn người thợ 60 năm làm nghề này.
"Tôi giữ lại nghề không phải vì mấy đồng bạc tiền công. Tôi làm vì thấy vui, thấy trân trọng kỷ niệm của khách hàng trong những món đồ xưa cũ", ông Khang trải lòng.
Những tiếng rao thưa dần
Hà Nội bao năm văng vẳng những tiếng rao hàng thân thương, nay đang thưa thớt dần. Mỗi góc phố, vỉa hè Hà Nội một thời rộn ràng tiếng máy khâu của những người thợ "lộn cổ sơmi, dán gối quần bò".
Dưới tán bàng, bên cạnh cây cột điện là cái bếp than, vài thanh sắt, mấy miếng nhựa của người thợ hàn dép rách, bơm xe đạp...
Đến nay không còn mấy người làm nữa. Những tiệm sửa quần áo cũ cũng thưa vắng dần, chỉ còn ông Khang, người đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề sửa khóa quần áo...
Giữa thành phố đông đúc, ồn ào, tiếng rao khàn khàn, đùng đục của người thợ già mài dao kéo dạo như chìm trong lạc lõng...
Kỳ tới: Ai mài dao kéo không?
TTO - Nhiều bạn trẻ, thế hệ sinh sau thập niên 1990, cứ tròn mắt khi nghe chuyện hàn lại đôi dép nhựa bị đứt quai để tiếp tục mang được. "Chuyện thật không? Ba đồ nhựa có bao nhiêu tiền mà phải hàn lại xài lại?".