Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ có nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế và chính các bệnh viện. Vì vậy, ngành y tế cần phải làm ngay.
HAI YÊU CẦU ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐẶT LỊCH KHÁM, CHỮA BỆNH TRỰC TUYẾN
Thực tế đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã có phát triển hệ thống này. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh viện đang "làm manh mún".
Hiện tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến rất thấp. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng.
Hơn nữa, tại các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch. Trong hội nghị chuyển đổi số y tế diễn ra cuối năm 2020, Bộ Y tế đã đưa ra "mục tiêu tham vọng" là từ 1/7/2021 phải đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc.
Thực tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ bảo hiểm y tế và mã số bảo hiểm xã hội. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ.
Hệ thống hồ sơ sức khoẻ và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến cần kết nối với các dịch vụ y tế khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Tới đây, việc quản lý người dân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 phải được điện tử hoá và liên thông với hồ sơ sức khoẻ của người dân nhằm quản lý sức khoẻ suốt đời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra yêu cầu đầu tiên với hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến là người dân chỉ cần nhập số sổ bảo hiểm y tế vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số bảo hiểm y tế. Điều này đảm bảo bệnh nhân sẽ biết cụ thể về thời gian, bác sĩ khám và phòng bệnh nào…
Yêu cầu thứ hai là chỉ có 1 hệ thống toàn tuyến cho toàn bộ người dân, giải quyết tình trạng hiện nay là hệ thống của bệnh viện nào chỉ dùng trong bệnh viện đó.
BỆNH NHÂN CHỌN CHUYỂN TUYẾN, BÁC SĨ KHÁM TẠI CÁC TUYẾN ĐỀU NHẬN ĐƯỢC THÔNG TIN
Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ là một bệnh án dùng chung cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị
Đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến đang được xây dựng, ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, trước 5h sáng hàng ngày, bệnh viện thường xuyên có khoảng 70 bệnh nhân chờ thẩm định bảo hiểm y tế.
Bệnh viện phải bố trí từ 6-8 nhân viên thực hiện công tác này. Nếu hệ thống mới được triển khai, vừa giải quyết tình trạng "cò bệnh viện", vừa bớt thủ tục hành chính thủ công.
Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K mong muốn thời gian đầu, hệ thống nên triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, tin nhắn trước.
Đồng tình ý kiến này, ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E mong muốn hệ thống triển khai ở bệnh nhân ngoại trú trước, nội trú sau, tiếp theo sẽ triển khai thanh toán các chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt.
"Bộ Y tế sẽ lựa chọn một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh để thí điểm hệ thống này, sau đó sẽ đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng triển khai toàn quốc. Đây là việc cần làm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Xem thêm: mth.68905500101401202-7-1-yagn-ut-couq-naot-neyut-curt-hneb-auhc-mahk-hcil-tad-uad-tab/nv.ymonocenv