13h30' ngày 5/4, trong phòng xét xử số 9 của TAND Hà Nội, Đức được mẹ và tài xế taxi xốc hai bên nách, dìu vào băng ghế dành cho bị hại. Cậu dựa vào tường nhưng thi thoảng ngả nghiêng, đổ người về phía trước không kiểm soát.
Cách đó không xa, Nguyễn Đức Trí ngồi so vai, cúi mặt lặng lẽ ở phía bục bị cáo, đợi khai mạc phiên toà phúc thẩm, lén ngoái ra sau nhìn bạn rồi vội quay lên.
Mẹ Đức ngồi giữ con, khóc, ước rằng sự việc trưa 22/7 của hai năm trước giữa Trí và Đức chưa bao giờ xảy ra. Sáng đầu tuần ấy, Đức, cậu học trò lớp 11, thức dậy theo chuông báo thức đặt lúc 6h, nấu mì ăn. Như thường ngày, Đức sang bên kia đường Quang Trung, quận Hà Đông để đợi xe bus số 21A đến trường cách đó 11 điểm dừng đỗ.
Trước khi ra khỏi nhà, Đức ngoái lại, chào lớn: "Con đi đây u ơi". Bà Thuý cười đáp "học hành vui nhé".
Sáu giờ sau, cuộc điện thoại của cô chủ nhiệm lớp xen ngang giấc ngủ trưa của bà. "Chị đến trường ngay đi, con bị đau đầu". Bà Thuý nhờ cô giáo bảo Đức nằm nghỉ ngơi, hoặc mệt quá về nhà để đánh gió. Nhận mình là bà mẹ cẩn thận, ngăn tủ luôn sẵn đồng xu bạc gói trong túi vải, bà Thuý với lấy chai dầu gió, ngồi đợi con, tự dưng thấy bồn chồn.
Cuộc gọi thứ hai ngay sau đó 15 phút của cô giáo cho thấy linh cảm của bà đúng. "Trường đưa con đi bệnh viện Xây Dựng. Chị đến ngay hỗ trợ chúng em". Bà Thuý chỉ kịp nói một câu "đau đầu thôi sao đến mức nhập viện?" rồi cuống cuồng chạy bộ hai dãy phố đi lấy chiếc xe máy đang gửi tiệm sửa chữa, phi đến với con. Trên giường bệnh phủ ga trắng, cậu thanh niên 1m75 sáng nay còn chào mẹ, nhảy chân sáo ra đường, giờ nằm bất động, hôn mê sâu.
Tại Bệnh viện Xây dựng, Đức bị chẩn đoán thương tích nặng và lập tức được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức khi bà Thuý đến nơi. Người mẹ vội vàng ký cam kết phẫu thuật cho con, quay ra đã thấy chiếc giường đẩy của Đức khuất dần sau cánh cửa phòng vô trùng.
Cuộc phẫu thuật mở sọ giải áp, lấy máu tụ cho Đức kéo dài gần ba giờ. Bà ở ngoài khóc cạn nước mắt, ngất lả đi. "Ổn rồi. Chậm ba phút là chị không gặp lại con nữa đâu", bác sĩ vỗ vai bà Thuý, trấn an.
Mười ngày sau cuộc phẫu thuật, Đức vẫn hôn mê. Vợ chồng bà Thuý ly thân gần chục năm. Bố Đức thi thoảng ghé qua thăm con. Hai cô con gái lớn đã lập gia đình, đang kỳ con mọn. Bà Thuý hầu như một mình chăm Đức.
Bà thường ngắm con, rủ rỉ trò chuyện dù đáp lại chỉ là tiếng "tít tít" của máy móc, ống dẫn chạy khắp giường bệnh. Ngày thứ mười một, Đức mở mắt tuy đồng tử chưa di chuyển. Nỗi lo khác của bà Thuý ùn đến: viện phí, tiền thuốc. Bà Thúy có vài phòng trọ cho thuê song từ khi biến cố ập đến bà đóng cửa nhà, người thuê cũng lần lượt trả phòng tìm nơi ở mới.
Chín tháng sau, mẹ con Đức thêm 10 lần chuyển qua các bệnh biện tuyến đầu khắp thủ đô để điều trị những di chứng liên quan: sốt trong khi hôn mê, nhiễm độc máu, suy hô hấp, gãy xương sườn, biến dạng lồng ngực, lở loét da do nằm liệt nhiều ngày. Đức từ thanh niên cao lớn, sụt liền 25 kg, chỉ còn hơn 40 kg.
Mẹ Trí xuất hiện trước cửa phòng bệnh, mắt đỏ hoe, thay con nói lời xin lỗi với bà Thúy. "Thương chị cùng cảnh mẹ đơn thân. Em cũng chẳng dư dả gì", mẹ Trí chia sẻ.
Cuối tháng 4 năm 2020, Đức trở về nhà, 9 tháng sau buổi đến trường định mệnh, liệt nửa người, cổ vẫn nguyên ống mở khí quản, chưa thể giao tiếp với mẹ ngoài lắc và gật. Cậu sống nhờ vào thuốc nhiều hơn ăn uống. Căn phòng của hai mẹ con giờ la liệt những túi thuốc, chia thành từng loại bệnh.
"Dạo mới về, đôi ba ngày Đức lại tìm cách tự tử, gào thét khóc lóc bảo sống thế này con chết còn hơn", bà Thuý úp mặt vào lòng bàn tay, kể lại, giọng ngắt quãng. Có lần đến giờ uống thuốc, Đức ngậm vốc thuốc trong miệng lúc lâu, nước mắt trào ra, rồi nhổ phì ra ngoài. Bà chỉ lẳng lặng thu dọn rồi lấy liều thuốc khác, bóp chân tay, dỗ dành con uống hết.
"170.000 đồng một viên thuốc chữa loét da lưng, ngày uống hai viên", bà Thuý giơ một vỉ thuốc giải thích, song đó vẫn không phải loại thuốc đắt đỏ nhất. Biến cố lần này khiến gia đình bà "từ dư dả thành khánh kiệt, nợ nần". Song bi kịch lớn nhất với bà là tương lai của con trai duy nhất "tối sầm trong tích tắc".
Trong phiên tòa sơ thẩm mở cuối năm 2020, Trí thừa nhận đã đấm vào đầu Đức, xin lỗi và mong hưởng khoan hồng. Bị cáo nói phạm tội không cố ý, chỉ vì bồng bột, thiếu suy nghĩ. Khi gây án, Trí còn cách sinh nhật tuổi 16 đúng 3 tuần.
Bản án xác định, Đức và Trí cùng là học sinh lớp 11 của trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội. Khoảng 11h45' ngày 22/7/2019, Trí đang cùng nhóm bạn đi bộ từ tầng 6 xuống xuống tầng 1 thấy có tương ớt chạy qua khe cầu thang rớt xuống tay mình nhưng không nhìn rõ ai đổ.
Thông qua bạn bè, nghi Đức là thủ phạm, Trí tìm gặp Đức, đề nghị ra nhà vệ sinh nam ở tầng 5 nói chuyện. Khi Đức phủ nhận là người đổ tương ớt, Trí dùng tay phải đấm liên tiếp 5 cái vào đầu, mặt bạn đến khi được can ngăn.
Bị đánh, Đức trở về lớp nghỉ trưa, xin về nhà do đau đầu nhưng ngay sau đó nôn và ngất tại hành lang.
Với tỉ lệ thương tích gây ra cho nạn nhân tới 94%, Trí bị TAND quận Thanh Xuân phạt 4 năm 4 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, theo điểm a, khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trí và đại điện theo pháp luật, tức mẹ đẻ, phải bồi thường 844 triệu đồng cho bị hại.
Bà Thuý sau đó kháng cáo, yêu cầu tăng mức bồi thường, đồng thời đề nghị trường Cao đằng Công Thương Hà Nội tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án và phải liên đới bồi thường thiệt hại.
"Mỗi tháng chúng tôi phải đóng 100.000 đồng quản lý nội trú cho nhà trường, nhưng khi các cháu xảy ra mâu thuẫn không có giáo viên can thiệp", bà Thuý nói tại phiên phúc thẩm.
Trả lời trước toà, đại diện Cao đẳng Công thương Hà Nội cho biết, nhà trường đã hỗ trợ 230 triệu đồng chi phí điều trị cho gia đình bị hại dù không có nghĩa vụ bồi thường. Nhận thức về trách nhiệm của trường trong vụ án, vị này giải thích, theo kết luận điều tra, sự việc diễn ra trong vòng 2 phút từ 11h57' đến 11h59', trong khi khung giờ quản lý nội trú tính từ 12h đến 13h30 hằng ngày.
Bị cáo Trí im lặng suốt phiên toà, dành quyền trình bày cho mẹ. Người mẹ thay con gửi lời xin lỗi tới bị hại và gia đình, xin gia đình bị hại không kháng cáo đòi thêm tiền bồi thường do hoàn cảnh khó khăn. "Tổn hại sức khoẻ của cháu Đức không tiền nào bù đắp nổi nhưng con trai tôi cũng phải trả cái giá xứng đáng vì lỗi lầm tuổi trẻ".
HĐXX chỉ chấp nhận một phần kháng cáo, tăng mức bồi thường của bị cáo thêm 120 triệu đồng, nâng tổng các khoản phải bồi thường thành 964 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo phải chu cấp hằng tháng 3 triệu đồng cho bị hại đến khi bị hại chết, hồi phục sức lao động hoặc có diễn biến sức khoẻ khác.
Nhiều tháng nay, Đức được mẹ dẫn đi vật lý trị liệu các buổi chiều. Chân tay vừa nhúc nhích cử động được, cậu đã hỏi mẹ: "Liệu con có đi học lại được không nhỉ?". Bà Thuý cố làm mặt vui, đáp "có chứ" nhưng chính bà cũng không dám chắc.
Đức của hai năm trước nuôi mơ ước làm thiết kế game, hôm nay phát âm chậm, không nói được một mạch với câu dài quá 4 từ, khó cộng trừ được các phép tính ngoài phạm vi 50. Nhưng khi nhắc về chuyện cũ, hỏi có giận Trí không, Đức đáp không do dự: "Không. Bạn ấy không cố ý".
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.9710624-to-gnout-tev-ut-hnis-man-iov-ned-pa-aoh-iat/ten.sserpxenv