Hai tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song nhận giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ hôm 9-4 - Ảnh: T.ĐIỂU
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin (Tuổi Trẻ ngày 10-4), ngày 9-4, báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 - 2020 với 2 giải B được trao cho 2 tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), cùng 4 giải C, 6 giải khuyến khích.
Cuộc thi thu hút trên 3.500 tác giả với hàng vạn tác phẩm tham dự, kéo dài hơn dự kiến 6 tháng nhưng không tìm được "trạng nguyên". Điều này theo ban tổ chức là cuộc thi "đã phần nào phản ánh đúng tình hình sáng tác thơ hiện nay".
Sau lễ trao giải, đã có một số ý kiến phê bình khá nặng nề của các nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Lê Thiếu Nhơn trên trang Facebook cá nhân rằng ban tổ chức đã "giết chết nền thơ" của nước nhà khi trao giải cho hai bài thơ "dở nhất nước".
Đó là bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm và Làm rể của tác giả Tòng Văn Hân. Các ý kiến cho rằng thơ anh "nôm na", "ngô nghê"... Tác giả Tòng Văn Hân còn có một bài thơ nữa trong cụm 3 bài thơ được trao giải lần này nhưng chưa bị "cư dân mạng" mang ra mổ xẻ, phê bình là bài Nhà trên nhà dưới.
Trả lời Tuổi Trẻ Online tối 10-4, ông Hữu Thỉnh - chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ - vẫn kiên định rằng "thơ của Tòng Văn Hân rất được". Ông nói, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm mà nhiều người mang ra "cười cợt", thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng.
"Lý thường, khi chửi kẻ trộm người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây "mẹ tôi chửi kẻ trộm" lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình", ông Hữu Thỉnh lý giải về cái tứ thơ khiến ông rất thích và xúc động.
"Cần lao động thơ sâu sắc, nhọc lòng hơn"
Trong lễ trao giải hôm 9-4, mặc dù vui mừng khi cuộc thi cho thấy thơ ca đang "đi rất đúng hướng" là tính dân tộc và nhân văn, nhưng ông Hữu Thỉnh cũng cho rằng các nhà thơ hiện nay cần "suy nghĩ, lao động thơ sâu sắc hơn, nhọc lòng hơn để chữ có độ tải tâm hồn hơn".
Về việc một số người cho rằng hai bài thơ đó về mặt chữ nghĩa "nôm na" quá, ông Thỉnh nói "thì thế mới giải nhì chứ không phải giải nhất", và đó là giọng thơ của một người dân tộc sống ở miền núi, rất chân chất chứ không phải "kiểu mơn trớn chữ nghĩa" như các nhà thơ giỏi chữ Việt ở miền xuôi.
Ông khẳng định, bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm là bài hay nhất trong cuộc thi thơ này, một bài thơ rất độc đáo. Dù vậy, ông Hữu Thỉnh cũng nhận thấy cuộc thi chưa phải là thành công bởi không tìm được giải A, các bài thơ chưa phải đã có "độ tải tâm hồn" tốt.
Còn nhà văn Khuất Quang Thụy - tổng biên tập báo Văn Nghệ, trưởng ban tổ chức giải thơ - nói ông ủng hộ và tôn trọng tất cả quyết định của hội đồng chung khảo gồm những nhà thơ, nhà văn uy tín như: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu.
Ông Thụy cũng thừa nhận cuộc thi chưa phải là thành công bởi cuộc thi được tổ chức như một hoạt động "chào mừng" Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 6-2020 nhưng đã lùi lại cùng với đại hội này vào tháng 12-2020, song cuối cùng vẫn không tìm được "trạng nguyên".
Nhưng ông khẳng định ban tổ chức "rất trong sáng", còn văn chương thì người yêu người ghét, người này hài lòng người kia không là chuyện bình thường.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhận xét ba bài thơ vừa được trao giải "tình thơ chân thành, dung dị". Tuy nhiên, ông cho rằng chấm giải cao nhất cho những bài thơ này thì "không ổn chút nào", và cũng thật không ổn khi một số người "quá nặng lời" về mấy bài thơ ấy.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, tác giả Tòng Văn Hân chỉ nói về tính nhân văn và tính cộng đồng của người Thái - những thứ làm nên tinh thần bài thơ. Theo đó, người Thái có quan niệm con người có rất nhiều hồn vía gắn với từng chi tiết trên cơ thể như chân tay, mắt mũi… Miệng cũng có hồn vía, nên người ta không nói những từ tục tĩu bởi nói tục sẽ làm cho hồn vía miệng của mình bị ô uế.
Nếu chửi kẻ trộm thì hồn vía miệng của người chửi sẽ càng bị ô uế, khiến cho bản thân người chửi làm ăn không nên, hoặc bị đau ốm, nuôi nấng con cái không khỏe mạnh. Nên dù có mất gà, mất lợn người ta cũng không chửi như "văn hóa chửi" của người Kinh.
Nếu có trộm cắp, người Thái thường giải quyết ổn thỏa theo kiểu "đóng cửa bảo nhau", luôn giữ bí mật cho người trót ăn trộm, để họ không bị xấu hổ trước bản làng. Đồng thời người ta cũng nhắc nhở người ăn trộm hãy chịu khó làm ăn, đừng bao giờ làm chuyện như thế nữa, vì kể cả người không nhìn thấy thì ông trời sẽ nhìn thấy hành động xấu của mình...
Trước ồn ào trao giải cao nhất cho hai bài thơ "dở nhất nước", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chỉ đưa lên trang Facebook cá nhân bài thơ của Tòng Văn Hân mà ông đã được nghe trong cuộc gặp gỡ tại nhà anh ở Điện Biên năm 2004, ông cho là một bài thơ hay. Bài Em soi gương này sau đó đã được ông gửi đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 12-5-2013 cùng lời giới thiệu của ông. Ông Nguyên cho rằng tác giả Tòng Văn Hân có tư duy thơ rất độc đáo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng nhận xét bài Em soi gương là một bài thơ hay và mới mẻ. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức nói ông thích bài này khi đăng báo Tuổi Trẻ.
Mẹ tôi chửi kẻ trộm
(Tòng Văn Hân)
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.
Xem thêm: mth.14971321201401202-ig-ion-cuhc-ot-nab-coun-tahn-od-oht-iab-gnuhn-ohc-iaig-oart-ehc-ib/nv.ertiout