vĐồng tin tức tài chính 365

Alibaba bị phạt tiền kỷ lục 2,8 tỉ đô la trong cuộc điều tra chống độc quyền

2021-04-11 03:46

Alibaba bị phạt tiền kỷ lục 2,8 tỉ đô la trong cuộc điều tra chống độc quyền

Chánh Tài

(KTSG Online) – Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) vừa ra quyết định xử phạt Tập đoàn Alibaba 18,23 tỉ nhân dân tệ (gần 2,8 tỉ đô la Mỹ) trong cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào ‘ông lớn’ thương mại điện tử này. Đây là khoản tiền phạt cao nhất đối với một doanh nghiệp từ trước đến nay ở Trung Quốc, vượt qua mức phạt chống độc quyền kỷ lục 975 triệu đô la mà chính phủ Trung Quốc áp lên hãng chip Quacomm (Mỹ) vào năm 2015.

Logo của Alibaba bên ngoài trụ sở của tập đoàn này ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trong thông báo hôm 10-4, SAMR cho biết Alibaba bị xử phạt vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để o ép các đối tác bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba. Cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba được SAMR tiến hàng vào tháng 12 năm ngoái với trọng tâm điều tra tập trung vào một chính sách của Alibaba buộc các bên bán hàng thứ ba phải “chọn một trong hai”.

Chính sách này yêu cầu những bên bán hàng thứ ba đang kinh doanh trên các nền tảng của Alibaba không được bán hàng ở các nền tảng của những đối thủ khác như JD.com, Pinduoduo. Nếu hợp tác bán hàng với các đối thủ này, họ sẽ bị cấm kinh doanh trên các nền tảng của Alibaba.

Wu Ge, Giám đốc hãng luật Beijing Zhongwen, nhận định: “Khoản tiền phạt kỷ lục nhằm vào Alibaba cho thấy các nền tảng internet ở Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ và tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng, thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận hay xem việc kiếm lợi nhuận cao là ưu tiên hàng đầu của họ”.
Ông nói chiến dịch xử phạt của chính phủ Trung Quốc nhằm vào các nền tảng internet độc quyền sẽ không dừng lại ở đây và đó chỉ là điểm khởi đầu.
Lu Ming, nhà phân tích ở Công ty Aequitas Research, cho rằng khoản phạt chỉ tác động tiêu cực với cổ phiếu của Alibaba trong ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng đến giá trị của Alibaba. Ông dự báo SAMR sẽ tiếp tục xử phạt chống độc quyền đối với các nền tảng thương mại điện tử khác như các nền tảng buôn bán bất động sản và xe trực tuyến.
Liu Xu, nhà nghiên cứu ở Viện Chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nói: “Khoản phạt này không lớn như chúng tôi nghĩ. Đó gần như là một khoản phạt mang tính biểu tượng đối với Alibaba”.
Dù 2,8 tỉ đô la là số tiền phạt kỷ lục nhưng con số này chỉ là số lẻ so với lợi nhuận hàng năm của Alibaba. Trong quí cuối cùng của năm 2020, Alibaba báo đạt lợi nhuận ròng 12 tỉ đô la.

SAMR cho rằng chính sách của Alibaba bóp nghẹt sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc và xâm phạm hoạt động kinh doanh của các đối tác bán hàng bên thứ ba trên các nền tảng thương mại điện tử cũng như quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Cơ quan nói trên cũng kết luận chính sách “chọn một trong hai” cùng các chính sách của Alibaba khác tạo ra những lợi thế cạnh tranh bất công bằng, cho phép tập đoàn củng cố vị thế thống lĩnh trên thị trường thương mại điện tử.

Ngoài khoản tiền phạt 2,8 tỉ đô la (tương đương 4% doanh thu nội địa của Alibaba trong năm 2019), SAMR cũng yêu cầu Alibaba cải tổ toàn diện hoạt động và nộp các báo cáo tuân thủ và tự kiểm tra các hệ thống nội bộ cho SAMR trong liên tục 3 năm tới. Các quy định của Trung Quốc cho phép phạt chống độc quyền lên mức tối đa 10% doanh thu trong nước hàng năm của một doanh nghiệp.

Cùng ngày, Alibaba ra thông báo nói rằng tập đoàn này chấp nhận nộp phạt và sẽ tuân thủ yêu cầu của SAMR. Thông báo có đoạn: “Alibaba sẽ không đạt được sự tăng trưởng nếu không có sự hỗ trợ và quản lý đúng đắn của chính phủ”.

Alibaba cho biết sẽ tổ chức cuộc họp báo từ xa vào ngày 12-4 để thảo luận về khảo tiền phạt.

Thông báo xử phạt nhằm vào Alibaba là diễn biến mới nhất trong chiến dịch chấn chỉnh các ‘ông lớn’ công nghệ của Trung Quốc. Các cơ quan quản lý ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng lo ngại về sức mạnh của họ, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Phần lớn chiến dịch này tập trung vào đế chế kinh doanh của tỉ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba và Tập đoàn tài chính Ant Group. Thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, được đánh giá là lớn nhất thế giới với số tiền thu về lên đến 34 tỉ đô la, bị đình chỉ vào tháng 11 năm ngoái ngay sau khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc công bố dự thảo quản lý hoạt động cho vay vi mô trực tuyến, một trong mảng kinh doanh chủ chốt của Ant Group. Trước đó, các cơ quản quản lý tài chính của Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp với Jack Ma và các lãnh đạo của Ant Group để cảnh báo sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay trực tuyến của Ant Group.

Jack Ma dường như bị “thất sủng” sau một phát biểu chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc là “di sản của kỷ nguyên công nghiệp”, tức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Ông cho rằng các ngân hàng của Trung Quốc vẫn hoạt động dựa vào “não trạng của tiệm cầm đồ”, bắt buộc kháchhàng phải đặt tài sản thế chấp trước khi cho họ vay.

Theo CNBC, Wall Street Journal, Reuters


 

Xem thêm: lmth.neyuq-cod-gnohc-art-ueid-couc-gnort-al-od-it-82-cul-yk-neit-tahp-ib-ababila/233513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Alibaba bị phạt tiền kỷ lục 2,8 tỉ đô la trong cuộc điều tra chống độc quyền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools