Vận chuyển vắc xin CoronaVac của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) tại căn cứ không quân Villamor ở TP Pasay, thuộc đại đô thị Manila, Philippines, ngày 28-2-2021 - Ảnh: REUTERS
Ngày 10-4, theo hãng tin Reuters, ông Zheng Zhongwei - một quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), khẳng định nước này có thể sản xuất được 3 tỉ liều vắc xin đến cuối năm nay.
Trong một sự kiện tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, người đứng đầu lực lượng chuyên trách phát triển vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, hào hứng tuyên bố đến nửa năm cuối của 2021, nước này đảm bảo được lượng vắc xin cần thiết trong nước.
Theo hãng tin Reuters, trong một cập nhật số liệu gần đây, chính quyền Bắc Kinh cho biết sản lượng vắc xin ngừa COVID-19 của nước này đã tăng được gấp ba lần, tính từ ngày 1-2 đến cuối tháng 3 vừa qua, đạt 5 triệu liều mỗi ngày.
Công ty Sinovac Biotech - đơn vị dẫn đầu tại Trung Quốc, trong tháng này đã tuyên bố tăng được gấp đôi khả năng sản xuất lên 2 tỉ liều sau khi khánh thành xưởng sản xuất thứ ba.
Còn tập đoàn Sinopharm cũng tuyên bố đạt khả năng sản xuất vắc xin hằng năm lên ít nhất 1,1 tỉ liều cho hai loại vắc xin của mình. Tập đoàn này từng đặt mục tiêu sản xuất đến 3 tỉ liều nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể.
Hôm 9-4, Sinopharm cũng tuyên bố bắt đầu cung cấp được 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 bắt đầu từ tháng 4.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic được tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS
Trong khi thế giới bắt đầu gặp khó khăn về nguồn cung đối với một số loại vắc xin của Âu-Mỹ đã được phê duyệt thì sự "nổi dậy" của vắc xin Trung Quốc là một điều không phải bất thường.
Ngày 9-4, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các loại vắc xin (vaccine) Trung Quốc Sinopharm và CoronaVac (của hãng Sinovac) đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng để đưa vào sử dụng khẩn cấp theo quy trình của tổ chức này và "quyết định cuối cùng" sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ ngày 26-4 đến ngày 3-5.
Trong một cuộc họp báo tại Geneva, Giám đốc phụ trách đánh giá Rogerio Pinto de Sa Gaspar cho biết WHO đã triệu tập nhóm cố vấn kỹ thuật để đánh giá vắc xin vào ngày 26-4 và ít nhất sẽ có một trong hai loại vắc xin trên có thể được đánh giá vào ngày đó. WHO cũng đã có kế hoạch tổ chức một nhóm cố vấn kỹ thuật khác vào ngày 3-5 để tiếp tục đánh giá được cả hai loại.
Việc đánh giá và chấp thuận các vắc xin chưa được cấp phép vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp, một quy trình nội bộ của WHO, là cần thiết cho các vắc xin được sử dụng trong Sáng kiến COVAX, một ý tưởng do WHO lãnh đạo nhằm cung cấp khả năng tiếp cận vắc xin công bằng hơn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương (Yi Gang) ngày 9-4 kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" và hợp tác về chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển tiếp cận với vắc xin ngừa COVID-19 để có thể sớm kiềm chế đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Trong một phát biểu tại cuộc họp của Ban Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 9-4, ông Dịch Cương cho biết tăng trưởng toàn cầu đang diễn ra "chậm chạp và không đồng đều" và việc phân phối vắc xin công bằng chính là chìa khóa để đảm bảo đà phục hồi bền vững.
Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp với nhau để chống lại "chủ nghĩa dân tộc vắc xin", tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách nhằm ứng phó với đại dịch, cũng như tăng khả năng tiếp cận với vắc xin cho các nước đang phát triển.
Theo quan chức trên, Trung Quốc đã phân phát hoặc có kế hoạch hỗ trợ vắc xin cho 80 quốc gia, trong khi xuất khẩu cho hơn 40 nước. Trung Quốc cũng sẽ cung cấp 10 triệu liều vắc xin cho cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX.
TTO - Chính phủ Indonesia đã vạch ra 4 chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có việc tìm sang Trung Quốc, trước tác động của việc một số quốc gia ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu vắc xin.
Xem thêm: mth.38343731201401202-ueil-it-3-coud-taux-nas-ion-nit-ut-couq-gnurt-teyud-ohw-ohc-nix-cav/nv.ertiout