Hãng tin AFP cho biết Tổng thống Iran - ông Hassan Rouhani ngày 10-4 đã tham gia buổi lễ đưa vào hoạt động chính thức 164 máy ly tâm IR-6, 30 máy ly tâm IR-5 và khởi động quá trình thử nghiệm máy ly tâm thế hệ mới nhất IR-9 tại cơ sở làm giàu urainum đặt ở TP Natanz.
Trong buổi lễ được phát sóng trên cả nước, các kỹ sư tại cơ sở cho biết đã bơm khí UF6 (uranium hexafluoride) vào máy ly tâm theo lệnh của Tổng thống Rouhani.
Hình ảnh Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu cùng các máy ly tâm ở cơ sở Natanz được truyền thông Iran đưa tin ngày 10-4. Ảnh: AFP
Theo AFP, các máy ly tâm IR-5 và IR-6 sẽ giúp làm giàu uranium với tốc độ nhanh hơn và với số lượng lớn hơn gấp 10 lần so với các máy ly tâm thế hệ đầu tiên của Iran.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Rouhani khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình và Iran vẫn tiếp tục duy trì cam kết thực thi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), không đi chệch hướng sang mục đích quân sự.
Trước đó hồi ngày 9-4, Thứ trưởng Ngoại giao Iran - ông Abbas Araqchi từng khẳng định nước này sẽ không ngừng hay thậm chí giảm tốc độ các hoạt động hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu uranim lên mức 20% tinh khiết.
Hoạt động này sẽ tiếp tục cho đến khi Mỹ đồng ý quay lại thoả thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) sẽ tự nguyện dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Iran.
Ông Araqchi cũng cho biết Iran đang trong quá trình đàm phán với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân và hiện đang có dấu hiệu cho thấy người Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ cấm vận theo yêu cầu của Tehran.
Ngày 9-4 cũng đánh dấu kết thúc vòng họp thứ hai của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna (Áo) với sự tham gia của phái đoàn các nước Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran.
Phái đoàn Trung Quốc và Nga đánh giá các nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển. Các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định lãnh đạo Mỹ và Iran nhiều khả năng không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá.
Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh JCPOA nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên hay đưa ra những nhượng bộ đầu tiên để đạt được mục tiêu này.