Nói không với hàng fake
Mới đây, hàng loạt vụ việc vận chuyển, kinh doanh quần áo, giày dép, túi xách nhái, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng liên tục bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện. Số lượng hàng hóa gắn mác các hiệu Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, Louis Vuitton, Zara, Hermes… bị thu giữ lên tới hàng ngàn sản phẩm (SP), có giá bán chỉ vài chục ngàn đồng/SP. Ngoài phân phối hàng đi các tỉnh, các đối tượng chủ yếu bán hàng online qua hình thức livestream trên Facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các cơ sở trên thường xuyên đóng cửa; chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới xuất hiện, giao hàng cho khách.
Tuy nhiên, đó chỉ là mảng màu tối của thị trường, bởi đang có rất nhiều người ủng hộ phong trào nói không với hàng nhái. Chị Mỹ Hằng (nhân viên văn phòng ở Q.3, TPHCM) cho biết, chị và nhóm bạn hơn mười người có một điểm chung trong thói quen mua sắm là chọn mua quần áo, giày dép, túi xách... có chất lượng cao, giá cả hợp lý là SP chính hãng của nhà sản xuất trong, ngoài nước hoặc là SP handmade (làm thủ công) chứ tuyệt đối không mua SP nhái các thương hiệu, đặc biệt là hàng hiệu fake.
Vì mục tiêu nói “không” với hàng nhái, một số nhóm bạn trẻ lập hội nhóm, mở diễn đàn kêu gọi mọi người tẩy chay hàng nhái; hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt hàng nhái.
Chị Thu Nga (ngụ Q.7, TPHCM) kể con gái chị đang học lớp Bảy nhưng đã có quan điểm rất rõ ràng. Bé chọn mua giày dép của các thương hiệu Việt Nam chứ không mang giày nhái các hiệu Nike, Adidas, Skechers, Converse... Con chị còn kể các bạn ở trường không những tẩy chay hàng nhái mà còn nghỉ chơi với những ai dùng hàng nhái. Điều này hơi mang tính cực đoan nhưng cho thấy rõ quan điểm của giới trẻ trước vấn đề hàng nhái. Đáng lo ngại là ngoài các SP thời trang, thị trường còn có cả các SP mỹ phẩm nhái, gây nhiều nguy cơ cho da.
Doanh nghiệp Việt chạy đua với… hàng fake
Trước xu hướng chuyển sang ủng hộ SP của các thương hiệu trong nước với nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp của người tiêu dùng (NTD), các thương hiệu cũng đáp lại bằng cách tự hoàn thiện, cải tiến liên tục… Cụ thể các hệ thống cửa hàng quần áo thời trang Việt Nam như: PT 2000, Elise, Blue Exchange, SEA, Ivy Moda… liên tục ra các bộ sưu tập mới theo mùa, chất liệu tốt, kiểu dáng đẹp… và thu hút khách bằng các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng. Giá SP cũng phục vụ nhiều phân khúc, dao động từ 200.000 - 3 triệu đồng.
Không chỉ hướng đến mẫu mã thời trang, các nhà thiết kế (NTK) còn chú trọng chọn chất liệu thân thiện môi trường. Đặc biệt, ngoài bán trực tiếp, nhiều SP của các NTK nổi tiếng Việt Nam còn được chào bán trên các trang mạng, như các SP của NTK Đỗ Long, Lê Thanh Hòa, Hồ Trần Dạ Thảo…
NTK Văn Thành Công cho biết anh chú trọng dùng chất liệu hoàn toàn Việt Nam, thân thiện môi trường và đưa ra kiểu dáng đơn giản, phù hợp với nhiều đối tượng. Đồng thời, NTK này sử dụng kỹ thuật thủ công như thêu tay, vẽ tay hoặc kết trang trí trên các chất liệu tự nhiên như tơ gấm, đũi, linen… của các làng vải truyền thống từ Nam ra Bắc như Hà Đông, Củ Chi, Bảo Lộc...
Vì mục tiêu nói “không” với hàng nhái, một số nhóm bạn trẻ lập hội nhóm, mở diễn đàn kêu gọi mọi người tẩy chay hàng nhái; hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt hàng nhái |
Tương tự, NTK Tom Trandt Trần Minh Đạo (tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Mỹ) vừa trình làng mẫu áo khoác thân thiện môi trường No-Thanks. Anh đã tận dụng 100% lượng vải denim thừa từ ngành công nghiệp thời trang để giới thiệu chuỗi sản phẩm thời trang bền vững, tái sử dụng cho thị trường Việt Nam. Đặc biệt, những chiếc áo khoác còn có thể “biến hóa” nhanh thành chiếc túi tiện dụng, giúp hạn chế sử dụng các loại túi ni-lông khi cần. Quan trọng là các NTK đưa ra mức giá hợp lý để hướng đến số đông NTD.
Theo đánh giá của NTK Vũ Việt Hà, giảng viên Khoa Thời trang, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội, các hãng thời trang Việt Nam có ưu thế hiểu được gu thẩm mỹ, vóc dáng, nhu cầu của người Việt và đầu tư công phu về kiểu dáng, chọn lựa kỹ chất liệu, mức giá hợp lý phù hợp với số đông NTD...
Ở lĩnh vực túi xách, giày dép cũng ngày càng có nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng thu hút sự quan tâm của NTD và mở rộng thị phần, như: Vascara, Lee&Tee, Olug, Cincinati, Vina Giầy, Biti’s, Bita’s, Juno, Hạnh Dung… Những nhãn hiệu này chinh phục NTD bằng chất liệu, mẫu mã với nhiều mức giá. Nhờ vậy, thương hiệu Vascara đã được công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản - Stripe International tin tưởng đầu tư mở rộng; Juno phủ sóng thị trường với hơn 80 cửa hàng; Lee&Tee với thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, tiện dụng, phù hợp nhiều lứa tuổi và phong cách thời trang khác nhau được nhiều NTD tin dùng; Biti’s từng gây “sốt” thị trường với mẫu giầy Hunter…
Ông Phạm Ngọc Liêm - Giám đốc Lee&Tee Việt Nam - cho rằng “chỉ cần có SP tốt chắc chắn sẽ có người ủng hộ SP Việt do mình làm ra. Nhiệm vụ của mình là cố gắng tập trung làm ra SP đáp ứng đúng mong đợi của khách hàng”. Ông cho biết sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế để người Việt có thể tự hào về một thương hiệu Việt có chất lượng và mẫu mã không thua kém so với các thương hiệu khác trên thế giới.
“Mỗi năm, Lee&Tee đều cải tiến SP và tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Túi xách, vali, túi du lịch bằng da luôn được cải tiến theo hướng trẻ trung, năng động và đa năng hơn. Chúng tôi tập trung phát triển đội ngũ nghệ nhân để làm ra nhiều SP tinh xảo hơn phục vụ du khách nước ngoài đến mua sắm và xây dựng hệ thống phân phối riêng”, ông Phạm Ngọc Liêm chia sẻ.
Theo Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đang chiếm gần 15% kim ngạch giày dép toàn cầu, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, giày dép Việt Nam đã xuất khẩu sang khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp giày dép tại Việt Nam có thể sản xuất được những đơn hàng khó, cao cấp trong thời gian ngắn. Ngành giày dép Việt Nam có năng lực khá cao trong mặt bằng chung của ngành giày dép thế giới. Điều này giúp cho sản xuất, xuất khẩu giày dép của Việt Nam mỗi năm đều tăng hơn 10%, trở thành một trong năm ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.7031341a-teiv-gnah-ohc-ioh-oc-iahn-gnah-iov-gnohk-ion/nv.moc.enilnounuhp.www