Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đề xuất Bộ LĐ-TB&XH thể chế nhóm lao động có quan hệ lao động (thuê mướn, sử dụng và trả lương), nhưng không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) được tham gia BHXH. Và người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, chủ hộ kinh doanh cá thể, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Người dân tham gia BHXH được nhận lương hưu. Ảnh: V.LONG
Vì theo BHXH, thực tế hiện nay, quan hệ lao động có thể được thông qua HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng văn bản, hoặc không bằng văn bản. Nếu quy định phải có HĐLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH thì vừa không phát triển BHXH hết được số lao động, lại vừa tạo “lỗ hổng” để người lao động và chủ sử dụng lao động dừng ký HĐLĐ để chuyển sang thỏa thuận bằng hình thức khác nhằm ngừng đóng BHXH. Khi đó mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH rất khó đạt được.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu bổ sung quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với toàn bộ người có quan hệ lao động thì dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu người tham gia BHXH trong diện này, nâng tổng số lên 25 triệu người trên cả nước tham gia BHXH bắt buộc…
Hiện cả nước có trên 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 30,42% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mức đóng bình quân của người lao động khoảng 6,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, quy định của pháp luật hiện hành từ ngày 1-1-2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH thêm khoản bổ sung khác, nhưng trên thực tế đa số doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH cho người lao động theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác.
Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp chưa chỉ rõ khoản phụ cấp, khoản bổ sung nào phải tính đóng BHXH. Thực tiễn doanh nghiệp đưa ra rất nhiều khoản thu nhập khác như khoán sản phẩm (ngoài định mức lương), tăng năng suất lao động tính theo tỉ lệ %, hỗ trợ tiền nhà, tiền điện thoại, xăng xe, đi lại, chuyên cần… để không phải đóng BHXH...