Gia hạn thời gian cơ cấu nợ: Liều thuốc cần cho tăng trưởng
Thụy Lê
(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã chính thức ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Gia hạn thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi
Nếu như theo quy định cũ, một trong những điều kiện để cơ cấu nợ là khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, thì trong thông tư lần này nêu rõ là số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021.
Ngoài trường hợp cơ cấu nợ cho số dư nợ đã quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư 01 có hiệu lực thi hành (tức ngày 13-3-2020), quy định lần này bổ sung thêm số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 và quá hạn trước ngày 17-5-2021, là ngày mà Thông tư 03 có hiệu lực thi hành.
Về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ), quy định mới vẫn giữ nguyên ở mức tối đa không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chỉ xác định thêm mốc cuối cùng các ngân hàng có thể thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng là đến ngày 31-12-2021. Ngoài ra, chính sách thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được kéo dài đến ngày 31-12-2021.
Theo đó, chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi của các ngân hàng dành cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được kéo dài thêm một năm cho đến hết năm nay, và thời gian cuối cùng mà các doanh nghiệp được cơ cấu phải tất toán các khoản vay này cũng kéo dài thêm đến cuối năm 2022.
Các mốc thời gian này cũng cho thấy nhà điều hành dự kiến sự ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ kết thúc chậm nhất trong vòng một năm tới, trùng khớp với dự báo việc tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 sẽ được triển khai rộng rãi từ cuối năm nay.
Những khoản vay được tái cơ cấu, miễn giảm lãi, dĩ nhiên cũng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ như quy định cũ, khi TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD. Chỉ từ ngày 1-1-2024, các TCTD mới phải phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.
Liều thuốc cho nền kinh tế
Quy định mới lần này bổ sung thêm nội dung yêu cầu các TCTD phải trích lập dần dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể đối với những khoản vay đã được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng, gia tăng “bộ đệm” giúp các ngân hàng chống chịu trước rủi ro có thể không thu hồi được nợ với những khoản nợ xấu tiềm ẩn này trong tương lai. |
Những sửa đổi, bổ sung trên dù được đưa ra không sớm như kỳ vọng, nhưng cũng đủ kịp thời để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, trong bối cảnh tiến độ phục hồi tăng trưởng vẫn chưa thật sự bứt phá nhanh như dự báo.
Các quy định này trước mắt sẽ giúp các ngân hàng không chịu áp lực phải chuyển nợ xấu đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó dư địa phát triển cho vay sẽ không bị thu hẹp.
Thật vậy, với những quy định về các hệ số an toàn vốn (CAR) hay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nếu bất kỳ khoản nợ xấu nào gia tăng, hệ số rủi ro của khoản vay đó tăng lên và khoản vay cũng mặc định được tính là dư nợ trung, dài hạn, hệ quả đều tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu an toàn này, khiến ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nếu như không tăng trưởng thêm được nguồn vốn để bù đắp.
Ngoài tránh gây áp lực làm tăng nợ xấu của toàn ngành ngân hàng, chính sách cơ cấu nợ được gia hạn cũng tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Vì nếu không được cơ cấu nợ, các khoản vay của doanh nghiệp bị chuyển thành nợ xấu, theo quy định các khoản vay còn lại của doanh nghiệp (nếu có) tại các ngân hàng khác cũng bị chuyển theo lên nhóm cao nhất trên hệ thống trung tâm thông tin tín dụng (CIC), khi đó chưa nói đến việc tiếp cận các khoản vay mới trở nên bất khả thi, mà việc giải ngân cho phần hạn mức tín dụng đã được cấp sẽ gặp nhiều khó khăn, lãi suất của các khoản vay cũng chịu áp lực gia tăng.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang lấy lại nhịp tăng trưởng, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đang được mở rộng trở lại, kích thích nhu cầu vay vốn gia tăng, với tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19-3-2021 là 1,47% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,68% của cùng thời điểm năm 2020, rõ ràng việc duy trì sức cầu vay vốn từ doanh nghiệp lẫn chính sách cung vốn ra nền kinh tế của các ngân hàng hết sức quan trọng. Vì vậy, những quy định sửa đổi, bổ sung về các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi nói trên là hết sức cần thiết.
Giảm áp lực cho ngành ngân hàng
Theo quy định cũ, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho nợ tái cơ cấu và không phải trích lập dự phòng, mà theo nhiều chuyên gia thì nhờ đó mà lợi nhuận năm 2020 của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nên không ít ngân hàng đã mạnh tay chi thưởng cho nhân viên và chia cổ tức cho cổ đông, dù kết quả lợi nhuận đạt được chưa phản ánh thực chất.
Chính vì vậy, quy định mới lần này bổ sung thêm nội dung yêu cầu các TCTD phải trích lập dần dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể đối với những khoản vay đã được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng, gia tăng “bộ đệm” giúp các ngân hàng chống chịu trước rủi ro có thể không thu hồi được nợ với những khoản nợ xấu tiềm ẩn này trong tương lai.
Tuy nhiên, trước những lo ngại việc trích lập dự phòng hết trong cùng lúc sẽ gây gánh nặng cho TCTD, ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 cao, quy định mới cũng cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng cho các ngân hàng theo lộ trình ba năm cho đến hết năm 2023. Theo đó, sẽ trích trước tối thiểu 30% trong năm 2021, tối thiểu 60% tại ngày 31-12-2022 và 100% tại ngày 31-12-2023.
Dù việc phải bắt đầu trích lập dự phòng ngay từ năm nay với tỷ lệ 30% cũng phần nào ảnh hưởng lên lợi nhuận và kế đó là động lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhưng mức độ tác động được kỳ vọng sẽ giảm dần. Bởi vì, nhiều khoản vay tái cơ cấu hiện nay đang dần được loại ra khỏi nhóm tái cơ cấu do khách hàng đã khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ cuối quí 3-2020 đến nay.
Ngoài ra, việc ngành ngân hàng vẫn đang duy trì được lợi nhuận cao, cùng với chính sách tái cơ cấu nợ được gia hạn đã mở ra cơ hội tiếp tục phát triển tín dụng mạnh mẽ trong năm nay cũng như giai đoạn tới, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để trích lập dự phòng cho các khoản vay đã tái cơ cấu này.
Xem thêm: lmth.gnourt-gnat-ohc-nac-couht-ueil-on-uac-oc-naig-ioht-nah-aig/012513/nv.semitnogiaseht.www