Ý đồ đằng sau 'Con đường tơ lụa số' của Trung Quốc
Châu Phan
(KTSG) - Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến sự triển khai sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” (BSI) của Trung Quốc. Bloomberg trích số liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết có đến 20% các dự án cơ sở hạ tầng trong BSI bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi dịch Covid-19.
Nhiều nước đang phát triển tham gia vào dự án đã phải đề nghị Trung Quốc đàm phán lại hoặc xóa nợ cho các khoản vay cho các dự án thuộc BSI. Có những nước như Sri Lanca cũng đã được Trung Quốc xóa một phần nợ.
Tuy nhiên, cần lưu ý là BSI không chỉ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng vật lý như đường sá, cầu cống, cảng biển mà còn có một mảng quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, còn gọi là Con đường tơ lụa số (Digital Silk Road), bao gồm không chỉ mạng không dây 5G do Huawei và các nhà cung cấp khác từ Trung Quốc đảm trách, mà còn nhiều thứ khác như các ứng dụng (app) thanh toán di động WeChat Pay của Tencent và AliPay của Ant Group (Alibaba) và các ứng dụng trên nền tảng công nghệ blockchain.
Và trong khi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vật lý bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì các dự án phát triển công nghệ số của Trung Quốc với các nước đối tác tham gia BSI trong các lĩnh vực lại đang được Trung Quốc tiếp tục rót vốn phát triển mạnh, đặc biệt là các dự án phát triển các ứng dụng trên nền tảng blockchain.
Gần đây hơn và là một bước tiến quan trọng hơn, Cơ quan Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành các quy định yêu cầu các công ty blockchain Trung Quốc phải đăng ký với CAC và nộp các dữ liệu cá nhân của người sử dụng... Hành động của Alibaba và CAC cũng mở toang cánh cổng pháp lý cho chính quyền Trung Quốc theo dõi và giám sát các giao dịch và dữ liệu, nhân bội sức mạnh kinh tế và chính trị của các blockchain của nước này. |
Đáng lưu tâm là trong khi Mỹ, châu Âu và một số nước đồng minh của họ đang cấm cửa, hoặc đang bận tâm tranh luận có nên cấm cửa Huawei triển khai mạng viễn thông 5G, thì dường như họ đang xem nhẹ hoặc không bận tâm đến rủi ro an ninh mạng đến từ việc bỏ ngỏ cửa để Trung Quốc phát triển và áp dụng các ứng dụng dựa trên blockchain trên lãnh thổ của họ, với các đối tác trong nước của họ.
Blockchain là các hệ thống quản lý dữ liệu được mã hóa và phân tán, có khả năng xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, rẻ tiền và an toàn, không bị bên thứ ba can thiệp.
Về hiệu quả của ứng dụng blockchain, hãng tàu Yuanben, ví dụ, cho biết blockchain cho phép hãng này theo dấu hơn 50 triệu món hàng với số liệu liên quan được lưu trữ tại các mạng máy tính ở Trung Quốc, châu Âu, và Mỹ.
Còn Alibaba thì sử dụng sổ cái blockchain của mình để khách hàng của họ tại Trung Quốc theo dấu vô số hàng hóa từ 50 nước trên thế giới. Alibaba cũng đã sử dụng blockchain để mang dịch vụ ngân hàng đến hơn 2 tỉ người “không tiếp cận được ngân hàng” trên thế giới.
Tuy vậy, blockchain trong BSI thì lại bị biến tướng đi. Chẳng hạn, Alibaba đã nộp đơn bảo hộ bản quyền cho sáng chế “can thiệp hành chính” - cho phép một bên thứ ba, ví dụ như các cơ quan chức năng của chính phủ, can thiệp để làm ngừng cái gọi là các “hợp đồng thông minh” (smart contracts - các hợp đồng số trên nền tảng blockchain) hay đóng băng các tài khoản nếu muốn.
Gần đây hơn và là một bước tiến quan trọng hơn, Cơ quan Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành các quy định yêu cầu các công ty blockchain Trung Quốc phải đăng ký với CAC và nộp các dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Những can thiệp để giành lấy sự tập trung hóa và quyền kiểm soát này đe dọa không chỉ làm xói mòn một lý do chính để sử dụng công nghệ blockchain từ ban đầu - thuật mã hóa không thể bẻ vỡ, hoạt động song song cùng lúc trên nhiều máy tính phân tán thay cho các tổ chức được tập trung hóa.
Hành động của Alibaba và CAC cũng mở toang cánh cổng pháp lý cho chính quyền Trung Quốc theo dõi và giám sát các giao dịch và dữ liệu, nhân bội sức mạnh kinh tế và chính trị của các blockchain của nước này.
Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc ngày càng quốc tế hóa và mở rộng dấu chân ra thế giới qua BSI, những quy định pháp lý trên của CAC sẽ nhanh chóng tác động đến người tiêu dùng toàn cầu. CAC thông báo rằng tính đến ngày 13-3 đã có 197 blockchain đăng ký thành công với CAC. Mặc dù CAC không cho biết dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng nước ngoài có bị đăng ký hay không, nhưng những công ty hàng đầu của Trung Quốc tham gia vào BSI như Alibaba và JD (là công ty mà Tencent có nắm cổ phần) có tên trong danh sách đăng ký này.
Kết quả là người tiêu dùng và các công ty trên thế giới có giao dịch với Trung Quốc có khả năng sẽ để lại dấu vết trên các sổ cái số có vai trò như một cánh cửa hậu cho chính quyền Trung Quốc xâm nhập và thu thập các dữ liệu riêng tư, bảo mật của các cá nhân và công ty nước ngoài. Đáng tiếc là rủi ro này hầu như chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mực ở nhiều nước trên thế giới.
Chưa hết, năm ngoái Trung Quốc đã tung ra Mạng dịch vụ Blockchain (BSN). BSN được thiết kế để lợi dụng thế mạnh của blockchain nhằm cung cấp cho các nhà phát triển phần mềm một lựa chọn rẻ tiền thay cho việc phải thuê các server lưu trữ hiện tại đắt đỏ hơn. Một số dự án blockchain lớn đã tham gia BSN, tích hợp các chuỗi của mình với BSN và, do đó, cho phép các nhà phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng trên một BSN lớn hơn và rẻ hơn.
Sự tích hợp kiểu này sẽ giúp Trung Quốc sớm hiện thực hóa được tham vọng đặt cơ sở hạ tầng mạng của nhiều nước phương Tây dưới sự ảnh hưởng của mình. Ngay Sách trắng của BSN cũng viết rõ: “Một khi BSN được triển khai toàn cầu thì nó sẽ trở thành mạng hạ tầng toàn cầu duy nhất được tự chủ phát triển bởi các chủ thể Trung Quốc và theo đó sự truy cập vào mạng này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc”.
Nêu ra viễn cảnh bị kiểm soát này, Ủy ban Đối ngoại Mỹ ngày 23-3 đã cảnh báo rằng BSI “đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho lợi ích kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh của Mỹ và sức khỏe thế giới”.
Xem thêm: lmth.couq-gnurt-auc-os-aul-ot-gnoud-noc-uas-gnad-od-y/912513/nv.semitnogiaseht.www