VKSND Tối cao đã ban hành Công văn 1066/VKSTC-V12 giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Trong đó, VKSND Tối cao có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lực lượng công an xã trong việc giữ người, đánh người hoặc tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.
Giải đáp, VKSND Tối cao cho rằng VKS không có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát giải quyết khiếu nại về việc bắt giữ người của công an xã.
VKSND Tối cao phân tích: Theo Điều 145 BLTTHS năm 2015, hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động tư pháp. Công an xã cũng có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo Điều 470 BLTTHS năm 2015, các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại trong TTHS, giải quyết theo quy định của Chương XXXIII BLTTHS là những quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, theo Điều 35 BLTTHS năm 2015 và Điều 9 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, công an xã không phải là cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên khi có khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết không theo quy định của pháp luật TTHS mà theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Khiếu nại quyết định không khởi tố . Nếu tòa tạm đình chỉ vụ án, đề nghị CQĐT xem xét dấu hiệu tội phạm; CQĐT không khởi tố nên tòa tiếp tục giải quyết vụ án mà sau đó quyết định không khởi tố bị khiếu nại thì có thụ lý giải quyết hay không? + VKSND Tối cao giải đáp: Theo khoản 2 Điều 158 BLTTHS năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo Chương XXXIII của BLTTHS. Trường hợp khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án thì thụ lý, giải quyết theo BLTTHS (Thủ trưởng CQĐT hoặc VKS cùng cấp có thẩm quyền giải quyết). |