Theo tờ South China Morning Post, mâu thuẫn giữa Manila và Bắc Kinh về sự hiện diện kéo dài của các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có thể leo thang trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ của người dân Philippines gia tăng và việc Mỹ ra hiệu ủng hộ đồng minh Đông Nam Á.
Diễn biến trong khu vực
Trong khi Bắc Kinh luôn nói rằng các tàu đánh cá của họ tại đá Ba Đầu chỉ đang trú ẩn khỏi thời tiết xấu và "không có kế hoạch" ở lại đó vĩnh viễn, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr cảnh báo rằng Manila sẽ phản đối ngoại giao mỗi ngày cho đến khi "người cuối cùng rời đi".
Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu trong ảnh chụp vệ tinh ngày 23-3. Ảnh: AFP
Philippines đã báo cáo hơn 200 tàu Trung Quốc gần bãi đá ngầm vào đầu tháng 3. Tuần trước, nước này cho biết 44 tàu của lực lượng "dân quân hàng hải" Trung Quốc vẫn ở đó dù thời tiết tốt.
Ngày 9-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc điện đàm với ông Locsin đã bày tỏ lo ngại về việc hàng loạt tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Qua đó, ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila được áp dụng cho Biển Đông.
Cùng ngày, nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến hành các hoạt động chung với điều nhóm tàu tác chiến đổ bộ USS Makin Island của nước này tại vùng biển tranh chấp.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 9-4 kêu gọi Mỹ ngừng "kích động các cuộc cãi vã và gieo rắc bất hòa". Đồng thời, ông nói các bên đã duy trì liên lạc về các vấn đề liên quan tình hình ở đá Ba Đầu.
Nhận định của các chuyên gia
Các nhà phân tích cho rằng Philippines đã có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về các tranh chấp ở Biển Đông. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và bộ ngoại giao của nước này đã tham gia vào một cuộc khẩu chiến gay gắt với đại sứ quán Trung Quốc ở Manila.
Theo các chuyên gia, căng thẳng gia tăng ở đá Ba Đầu đã cản trở việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Đồng thời, điều này cũng được cho là đang kiểm tra khả năng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đẩy lùi chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia địa chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines cho biết vụ việc đã "cho thấy những sai sót của chính phủ Philippines" trong nỗ lực nhằm tránh leo thang và giữ cho việc xoay trục sang Trung Quốc đi đúng hướng.
Về vụ việc đá Ba Đầu, trong khi Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh đây là "sự coi thường hoàn toàn" của Bắc Kinh đối với luật hàng hải quốc tế. Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte đã có đường lối nhẹ nhàng hơn, nói rằng vấn đề sẽ được giải quyết "thông qua các kênh ngoại giao và thông qua các biện pháp hòa bình".
Ông Heydarian cho biết có những lo ngại rằng Trung Quốc đang khai thác các lỗ hổng trong liên minh Mỹ-Philippines vào thời điểm hiện tại. Ngoài ra, một vấn đề khác là Trung Quốc ban hành luật hải cảnh cho phép các tàu của họ sử dụng vũ lực để bảo vệ các yêu sách hàng hải của mình.
Ông nói: "Trung Quốc xây dựng vùng xám toàn diện về mặt chiến lược Biển Đông, nhưng liệu nó sẽ còn là vùng xám trong bao lâu, hay liệu Trung Quốc có thể duy trì trong các thông số của vùng xám hay không, là một câu hỏi còn bỏ ngỏ".
Tuy nhiên, theo ông Xu Liping, chuyên gia Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, từ trước đến nay Trung Quốc "khá kiềm chế" về vấn đề đá Ba Đầu và cho rằng sẽ không có tác động lâu dài đến quan hệ song phương.
Ông nói: "Bộ ngoại giao Trung Quốc đã nói rất rõ ràng rằng không thể có chuyện các con tàu không rời đi, và cũng không có khả năng là chúng sẽ luôn ở đó".
"Bộ Ngoại giao hai bên đã duy trì một kênh thông tin liên lạc và tôi nghĩ rằng cả hai bên đều có sự đồng thuận mạnh mẽ. Điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ là những tiếng nói phản đối ở Philippines và những người đang tìm cách cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc" - ông nhận định.