PGS.TS Lưu Văn An đột ngột qua đời khi đang trong chuyến công tác khiến nhiều người đau xót - Ảnh tư liệu gia đình
Không chỉ là đồng nghiệp lâu năm mà còn là bạn bè chí tình, sự ra đi đột ngột của PGS Lưu Văn An khiến PGS.TS Nguyễn Văn Dững - nguyên trưởng khoa báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền - bàng hoàng, đau đớn. Ông Dững đã "khóc bạn" bằng một bài thơ ngắn chất chứa nhiều tình cảm:
"Tiếc, thương
Không nói nên lời!
Chú ơi, yên nghỉ phía trời bên kia!
Mắt sầu, lệ cứ đầm đìa
Biết làm sao được, sẻ chia hôm nào..."
Sự ra đi quá sớm và đột ngột của PGS An khiến ông Dững phải thốt lên câu thơ khuấy lên nỗi đau đớn thầm lặng chung của nhiều người: "Cớ sao tâm huyết, ngỡ ngàng ra đi!".
Ông Dững cho biết lễ tang của PGS An sẽ được nhà trường và gia đình tổ chức vào sáng 13-4 tại nhà tang lễ quận Cầu Giấy, một lễ tang trang trọng mà giản dị, gần gũi nơi ngôi trường mà người thầy tâm huyết ấy đã gắn bó nhiều thập kỷ, cống hiến đến hơi thở cuối cùng.
Nhiều đồng nghiệp, học trò của PGS An tại Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng đã chia sẻ nỗi tiếc thương "một nhà sư phạm mẫu mực, đáng kính", "một người anh, người bạn thiện lành".
PGS.TS Phạm Minh Sơn - phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền - trong lúc bối rối họp tổ chức tang lễ cho PGS An chia sẻ ngắn gọn với Tuổi Trẻ Online về người đồng nghiệp, đàn anh mà ông kính trọng: Gần 20 năm công tác cùng, ông Sơn đã có nhiều gắn kết chặt chẽ với "thầy An" về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hai người từng cùng nhau làm thư ký và phó chủ nhiệm ít nhất 3 đề tài cấp nhà nước của chương trình nghiên cứu lý luận chính trị KX04 của Hội đồng Lý luận trung ương.
Không khó để mọi người nhận ra PGS An là "một người rất có trách nhiệm với công việc, một người rất chân tình, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người để cùng tiến lên, một nhà giáo rất mẫu mực trong giảng dạy và trong công tác quản lý" như ông Sơn chia sẻ.
Ông còn là nhà lãnh đạo đổi mới khi đã quyết liệt tiến hành nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo của nhà trường. Chuyến công tác cuối cùng của PGS An là nỗ lực của thầy để mở rộng hợp tác liên kết đào tạo với các cơ sở.
"Thầy An là một người rất chân tình, cởi mở, chan hòa, được bạn bè rất quý mến. Sự ra đi của thầy để lại sự đau xót rất lớn với gia đình, đồng nghiệp, sinh viên", ông Sơn nói.
PGS.TS Lưu Văn An (giữa) trong lần làm việc với đoàn chuyên gia Đức do GS.TS Martin Löffelholz (thứ hai từ trái qua) dẫn đầu - Ảnh: NVCC
Từ nước Đức, anh Lê Ngọc Sơn - chủ tịch mạng lưới chuyên gia từ Đức về truyền thông và xử lý khủng hoảng - cũng chia sẻ những tiếc thương về sự ra đi của PGS An, một người theo anh là rất khoáng đạt và đổi mới.
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online, anh Ngọc Sơn cho hay, năm 2019, anh đã dẫn đoàn chuyên gia truyền thông từ Đức do GS.TS Martin Löffelholz - viện trưởng nghiên cứu truyền thông, Đại học Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau, CHLB Đức - dẫn đầu đến làm việc với Học viện Báo chí và tuyên truyền.
Tại đây, PGS An chào đón đoàn với tất cả tinh thần cởi mở, sự cầu thị và khát vọng đổi mới nhà trường mà ông đang cùng lãnh đạo. Nhờ đó mà chuyến làm việc của các chuyên gia Đức đã mở ra nhiều hướng hợp tác cho hai bên.
PGS An còn để lại ấn tượng tốt đẹp với GS Martin Löffel về một nhà lãnh đạo rất hiền hậu, chất phác, giản dị và thẳng thắn.
Cuộc điện thoại của thầy An
Nghe tin "thầy An" đột ngột qua đời, Võ Hương Giang - cựu sinh viên Viện báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền - đã không dám tin vào sự thật.
Hương Giang chia sẻ một kỷ niệm xúc động về người thầy nhân hậu, yêu thương học trò như một sự tưởng nhớ đầy trân trọng dành cho PGS An.
Cô cho hay, khi cô là sinh viên năm thứ 3 đã quên không đăng ký tín chỉ học môn Lao động nhà báo, có khả năng phải học lại dù kết quả đạt loại A. Hương Giang đã cầu cứu, hỏi xin ý kiến các phòng, ban đều vô vọng, đành liều lên gặp thầy An.
Nghe xong chuyện, chẳng cần xem tường trình hay xác nhận, PGS An đã lập tức gọi điện thoại chỉ đạo hỗ trợ sinh viên. "Kỷ niệm với thầy không nhiều nhưng tôi vẫn là thế hệ sinh viên may mắn được gặp và được thầy giúp đỡ. Cảm ơn thầy rất nhiều", Hương Giang chia sẻ.
PGS.TS Lưu Văn An - phó bí thư Đảng ủy, quyền giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền - qua đời đột ngột do bị đột quỵ lúc 22h ngày 10-4, khi đang đi công tác tại tỉnh Yên Bái.
PGS.TS Lưu Văn An (59 tuổi, quê Bắc Ninh), tốt nghiệp đại học ở Đại học Tổng hợp Leningrat, Nga, chuyên ngành dân tộc học năm 1988.
Ông có thời gian làm tiến sĩ tại Đại học Saint Petersburg, Nga, chuyên ngành dân tộc học năm 1992 và thực tập sinh khoa học tại Đại học Saint Petersburg, Nga chuyên ngành dân tộc học năm 1997.
Ông từng công tác tại Viện Dân tộc học, sau đó về Học viện Báo chí và tuyên truyền công tác từ năm 1999 đến nay. Trong thời gian công tác, ông từng là giảng viên khoa chính trị học, sau đó giữ chức phó trưởng khoa chính trị học.
Từ năm 2012, ông giữ chức vụ phó giám đốc học viện và được bổ nhiệm làm quyền giám đốc từ tháng 10-2020.
Ông đã thực hiện 35 đề tài nghiên cứu khoa học, viết rất nhiều sách, giáo trình và giành được nhiều giải nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và tuyên truyền.