Một sà lan nhận cát trên sông Tiền - Ảnh: BỬU ĐẤU
Như Tuổi Trẻ Online ngày 9-4 đã thông tin, mỏ cát trên sông Tiền thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được cơ quan chức năng tỉnh này đưa ra đấu giá quyền khai thác với giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng. Có tổng cộng 19 doanh nghiệp tham gia đấu giá và phần thắng thuộc về Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.home ở quận 7, TP.HCM với giá hơn 2.811 tỉ đồng.
Con số 7,2 tỉ từ đâu ra?
Theo thông báo số 828/TB-STNMT ngày 29-3-2021 của Sở Tài nguyên và môi trường An Giang về kết quả trúng đấu giá, trữ lượng cát mời đấu giá là 2.372.500m3 (làm tròn 2,4 triệu m3). Giá khởi điểm được đưa ra đấu giá là 7,2 tỉ đồng.
Việc đấu giá mỏ cát sông Tiền nói trên được thực hiện theo Luật đấu giá tài sản năm 2016. Tài sản đấu giá ở đây là "quyền khai thác khoáng sản", tức là quyền được khai thác trữ lượng cát đang nằm dưới lòng sông, chứ tài sản không phải là cát trong kho. Mức tiền trúng đấu giá là số tiền doanh nghiệp phải trả để được cấp quyền khai thác mỏ cát đó, không phải số tiền mua toàn bộ trữ lượng cát của mỏ.
Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 158/2016 quy định mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát) là 5% căn cứ trên bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành ở thời điểm thực hiện.
Theo quy định, bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành không được thấp hơn mức tối thiểu và không cao hơn mức tối đa theo khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư 05/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5-3-2020 quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với cát chia làm nhiều loại: cát san lấp (bao gồm cát nhiễm mặn) 56.000 - 200.000m3, cát đen dùng trong xây dựng 56.000 - 200.000 đồng/m3, cát vàng dùng trong xây dựng 105.000 - 350.000 đồng/m3.
Theo quyết định 57/2020/QĐ-UBND của tỉnh An Giang có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định giá tính thuế tài nguyên đối với cát san lấp là 60.000 đồng/m3, cát đen dùng trong xây dựng là 100.000 đồng/m3, cát vàng dùng trong xây dựng là 250.000 đồng/m3.
Trở lại với mỏ cát sông Tiền, nếu lấy giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng chia cho trữ lượng làm tròn 2,4 triệu m3, ta được con số 3.000, tương đương 5% giá tính thuế tài nguyên đối với cát san lấp theo quyết định của UBND tỉnh An Giang và phù hợp với nghị định 158 của Chính phủ.
Tuy nhiên, khu vực Chợ Mới, tỉnh An Giang là thượng nguồn sông Tiền có nguồn cát xây dựng được giới chuyên môn đánh giá chất lượng tốt, việc tính phí cấp quyền khai thác theo mức thuế tài nguyên đối với cát san lấp bị dư luận cho là "quá rẻ" cũng không phải không có căn cứ.
2.811 tỉ và còn gì nữa?
Như đã phân tích trên, Công ty T-S.home trúng đấu giá mỏ cát thì số tiền hơn 2.811 tỉ đồng bỏ ra chỉ là để giành được quyền khai thác trữ lượng cát 2,4 triệu m3 đang nằm dưới lòng sông.
Theo quy định, với mỗi mét khối cát được múc lên khỏi lòng sông, công ty này còn phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Luật thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật khoáng sản.
Cụ thể, theo Thông tư 105/2010/TT-BTC, thuế tài nguyên đối với khoáng sản cát là 10% tính trên giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành. Trong khi đó, mức phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP đối với cát vàng là 3.000 đồng/m3, cát trắng là 5.000 đồng/m3 và các loại cát khác là 2.000 đồng/m3.
Như vậy, với kết quả trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền, nếu Công ty T-S.home tổ chức khai thác theo quy định thì với mỗi mét khối cát đưa lên khỏi lòng sông, công ty này còn phải nộp thuế và phí tổng cộng khoảng 9.000 đồng. Với tổng trữ lượng trúng đấu giá làm tròn 2,4 triệu m3, tổng số thuế và phí phải nộp khoảng 21,6 tỉ đồng.
TTO - Mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện chính quyền tỉnh An Giang đưa ra đấu giá 2 mỏ cát sông Tiền, sông Hậu có được giá "khủng" nhất từ trước đến nay: đấu thầu ban đầu chỉ 7,2 tỉ đồng nhưng được doanh nghiệp bỏ giá lên đến 2.811 tỉ đồng!
Xem thêm: mth.12461229111401202-er-auq-oc-it-27-neit-gnos-tac-om-meid-iohk-aig/nv.ertiout