vĐồng tin tức tài chính 365

'Ma trận' thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm 'bẩn'?

2021-04-12 03:59

Như lời H, người phụ trách kinh doanh của Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh (đơn vị sản xuất sản phẩm hỗ trợ sinh lý GenX Gold) tiết lộ, thị trường thực phẩm chức năng online thu lợi nhuận khủng, nhưng bị áp lực bởi chi phí marketing nên đòi hỏi việc xoay vòng vốn phải rất nhanh. Để giải quyết bài toán này, nhiều công ty đều liên tục đổi nơi sản xuất, lập ra hàng loạt các công ty con, chi nhánh khác nhau như một mê hồn trận.

“Ban đầu, họ đặt các công ty sản xuất một sản phẩm chất lượng để lấy data (dữ liệu) khách hàng, sau đó sẽ dừng lại và đổi sang một nơi sản xuất khác chất lượng thấp hơn. Khi tư vấn, nhân viên tư vấn đều bảo khách hàng phải dùng đến liệu trình thứ 2, thứ 3 may ra mới có hiệu quả. Và hai liệu trình này, công ty vừa không mất chi phí marketing, vừa giảm được giá thành sản xuất, đa phần chỉ bằng một nửa so với ban đầu nên thu được lợi nhuận rất lớn”, H tiết lộ.

 Ma trận thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm bẩn?  - Ảnh 1.

Theo tiết lộ của giới sản xuất TPCN, sản phẩm muốn khoác công nghệ Mỹ, Nhật, chỉ cần tổ chức 1 buổi hội thảo mời người nước ngoài nói về sản phẩm rồi quảng cáo là xong

Còn cách khác, theo H là liên tục thay đổi tên gọi phụ của sản phẩm, rồi thổi phồng hiệu quả mạnh gấp 10 lần sản phẩm trước. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm sau lại chất lượng kém hơn, sau đó các công ty tung ra các chiêu giảm giá đến 50%. Chiêu thức này rất lợi hại bởi phần lớn người tiêu dùng đều không nhận ra được điểm thay đổi tinh vi này.

Giải mã ma trận

Qua nhiều tháng trời tìm hiểu và đối chiếu với hàng loạt sản phẩm trên thị trường của nhóm Gobig, chúng tôi phát hiện nhiều điều bất thường (và cũng là quy luật) về cách phân phối và sản xuất các sản phẩm của nhóm công ty này. Các sản phẩm ban đầu được sản xuất tại một đơn vị có tên tuổi, sau đó dừng hoặc chuyển sang sản xuất song song ở một đơn vị khác, cuối cùng đưa về nhà máy do nhóm này lập ra - Công ty Cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar.

 Ma trận thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm bẩn?  - Ảnh 2.

Các sản phẩm của nhóm Gobig được sản xuất ở rất nhiều nhà máy khác nhau sau đó được đưa về Genphar. Tuy quảng cáo sản xuất công nghệ tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, nhưng mới đây công ty này bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt về các lỗi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Cùng 1 dòng sản phẩm, nhưng trên thị trường luôn có đến 4,5 đơn vị sản xuất và phân phối khác nhau (bản chất đều thuộc nhóm Gobig) đứng tên. Điều này khiến người tiêu dùng không biết được chính xác đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình mua, cũng như khi cơ quan chức năng xử phạt lỗi quảng cáo “láo”, các công ty lập tức chối lỗi không phải do mình. Đồng thời như bạch tuộc chặt vòi này, vẫn còn vòi khác, các công ty vẫn còn tư cách pháp nhân khác để tiếp tục rao, bán sản phẩm.

Chẳng hạn, đối với sản phẩm hỗ trợ sinh lý Zawa, khi tìm về đơn vị sản xuất được ghi trên hộp sản phẩm là Công ty cổ phần dược phẩm Syntech chi nhánh Hải Dương (một đơn vị có uy tín trong ngành sản xuất TPCN), ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc công ty tỏ ra rất bất ngờ.

Ông Tùng khẳng định, công ty không hề sản xuất sản phẩm này cũng như chưa từng hợp tác với Công ty dược phẩm Locifa (đơn vị phân phối). “Chúng tôi cũng không hiểu, vì sao họ làm được giấy đăng ký công bố sản phẩm trong đó ghi tên công ty Syntech sản xuất. Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Tôi cũng không ít lần tìm đến địa chỉ của công ty như giới thiệu để làm sáng tỏ vụ việc nhưng đều bất lực, vì không tìm được văn phòng công ty đang hoạt động ở đâu”, ông Tùng cho hay.

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, sau khi mạo danh sản xuất tại Công ty Cổ phẩn dược phẩm Syntech, Công ty dược phẩm Locifa (thuộc nhóm Gobig) đã chuyển sang sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Narphaco. Đồng thời, nhóm Gobig cũng cho ra mắt sản phẩm mới là Zawa Plus do 3 công ty trong nhóm là Công ty Cổ phần công nghệ GOB Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ GOG Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ cao Gob Quốc Tế phân phối, và sản xuất tại Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar.

Còn sản phẩm hỗ trợ dạ dày Yakumi, 1 đơn vị đứng tên phân phối là Công ty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco, nhưng có đến 4 nơi sản xuất khác nhau là Công ty Cổ phần dược phẩm King Kao Phú Thọ, Công ty TNHH Dược phẩm Narphaco, Công ty cổ phần dược phẩm Fresh Life và Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar. Sản phẩm này còn có 1 công ty thuộc nhóm Gobig, là Công ty Cổ phần công nghệ COD Quốc tế phân phối và Công ty TNHH Dược phẩm Smard sản xuất.

 Ma trận thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm bẩn?  - Ảnh 3.

1 dòng sản phẩm Yakumi

 Ma trận thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm bẩn?  - Ảnh 4.

Sản phẩm Yakumi do Công ty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco phân phối sản xuất tại 1 công ty khác.

 Ma trận thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm bẩn?  - Ảnh 5.

Một sản phẩm Yakumi nhưng có rất nhiều đơn vị phân phối và sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, theo điều tra của Tiền Phong về bản chất các công ty này đều chung một "ruột".

Với sản phẩm GenX Gold, sau khi hợp tác với Công ty Cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh sản xuất được một số lô hàng, nhóm GOBIG cũng chuyển sang Công ty Cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar và Công ty TNHH Medistar Việt Nam.

Đối với sản phẩm hỗ trợ tăng cân GM Diet, sau khi dòng sản phẩm đầu tiên ra mắt do Cty cổ phần dược phẩm Locifa đứng tên phân phối và Công ty cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp sản xuất, nhóm GoBig tiếp tục ra dòng GM Diet Plus do 2 công ty trong nhóm là Công ty cổ phần dược phẩm công nghệ Nhật Bản và Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar sản xuất lần lượt đứng tên phân phối và sản xuất.

Trên thị trường sản phẩm này còn 1 dòng là GM Diet Platium do Công ty cổ phần dược phẩm công nghệ Nhật Bản phân phối và Công ty cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp sản xuất.

Theo điều tra của Tiền Phong, Công ty Cổ phần nghiên cứu và phát triển dược phẩm Genphar là nhà máy của nhóm Gobig có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó gồm Nguyễn Đình Dương (30%), Nguyễn Thị Nhung (37%), Nguyễn Hữu Hùng 3,5%, Nguyễn Văn Đạt (29,5%). Dù các sản phẩm được quảng cáo sản xuất theo công nghệ, tiêu chuẩn Nhật, Mỹ nhưng mới đây, công ty này bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt hành chính bị do vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kho bảo quản, khu chứa đựng không đầy đủ, đảm bảo.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết: "Đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, khi thay đổi đơn vị sản xuất, và phân phối, các công ty phải có báo cáo gửi Cục và được công bố trên website của Cục. Tuy nhiên, hiện chúng tôi kiểm tra trên website chưa thấy".

Ngoài ra, theo ông Phong đối với sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh gửi Cục kiểm tra, phê duyệt. Trong trường hợp chỉ nhập một loại nguyên liệu, cũng phải ghi rõ nguyên liệu đó trên bao bì sản phẩm.

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, dù hầu hết các sản phẩm của nhóm GOBIG đều thổi phồng có nguyên liệu được nhập khẩu từ Nhật Bản, Ấn Độ nhưng trên bao bì, các sản phẩm đều không tự tin thể hiện nội dung thế mạnh của mình.

Nhóm PV KT-XH

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.32183338111401202-nab-mahp-nas-mohn-uas-gnud-ia-gnan-cuhc-mahp-cuht-nart-am/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Ma trận' thực phẩm chức năng: Ai đứng sau nhóm sản phẩm 'bẩn'?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools