Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một điều của các luật về thuế đã đưa mặt hàng phân bón vào danh mục các mặt hàng không phải chịu thuế giá trị gia tăng, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp phân bón trong nước giảm chi phí. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, lại xảy ra một thực tế ngược, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam đang mong mỏi từng ngày để được chịu thuế giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp phân bón Việt mất thị phần do chi phí nguyên liệu không được khấu trừ thuế
Doanh nghiệp xin được đưa sản phẩm vào diện chịu thuế - đây là một điều khá lạ nhưng là nguyện vọng tha thiết của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Nguyên nhân là do Luật số 71 sửa đổi quy định các mặt hàng phân bón không chịu thuế thuế giá trị gia tăng nên đồng nghĩa với việc tất cả các chi phí đầu vào của ngành này không được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thực tế này đã diễn ra trong suốt 6 năm qua và ngày càng gây khó khăn cho doanh nghiệp phân bón, đặc biệt trong bối cảnh chi phí các nguyên liêu tăng từ 30 - 40% trong thời gian qua.
Doanh nghiệp phân bón Việt mất thị phần do chi phí nguyên liệu không được khấu trừ thuế. Ảnh minh họa.
Mỗi ngày, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cần tới hơn 2.000 tấn than để sản xuất đạm, một năm tiêu tốn đến khoảng 1.000 tỷ đồng để mua than làm nguyên liệu đầu vào. Giống như nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, họ cũng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, làm tăng chi phí mỗi năm tới 150 tỷ đồng. Chi phí tăng làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp vào tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trước khi phân bón trở thành mặt hàng không chịu thuế, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho ra thị trường khoảng 1 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm, nhưng từ 2015 đến nay do chi phí sản xuất tăng khi không được khấu trừ thuế gía trị gia tăng, sản lượng của doanh nghiệp liên tục giảm, nay giảm tới 30%. Theo họ, các doanh nghiệp trong nước đang dần bị mất thị phần, thua ngay trên sân nhà.
Theo tính toán của Hiệp hội phân bón Việt Nam, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phát sinh chi phí khoảng gần 2.000 tỷ đồng do không được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cần "sân chơi" bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước với phân bón nhập khẩu
Ở một diễn biến khác, các đơn vị nhập khẩu phân bón vào Việt Nam vừa được hoàn thuế giá trị gia tăng tại nước sở tại, vừa không phải chịu thuế nhập khẩu, vừa không phải chịu thuế thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu vào Việt Nam nên có lợi thế hoàn toàn so với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trong khi đó, phân bón sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phải chịu thuế xuất khẩu 5%. Theo các doanh nghiệp, các chính sách trên đồng thời đã như 2 gọng kìm o ép sản xuất trong nước vì một mặt khuyến khích hàng nhập khẩu, một mặt kìm hãm xuất khẩu hàng ra thị trường nước ngoài đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phân bón “tha thiết” xin sửa Luật thuế 71. Ảnh minh họa.
Theo đại diện của Bộ Công Thương, việc sửa đổi Luật thuế 71 là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi giúp Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu phân bón từ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phân bón trong nước phát triển.
Vừa qua, trong kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIV, Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang áp dụng thuế giá trị gia tăng là 5% và dự kiến trong kỳ họp vào cuối năm 2021 Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung trên.
VTV.vn - Mới đây, do tình hình giá phân bón tăng mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!