Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Philippines ngày 11-4 cho biết quân đội của nước này và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài hai tuần bắt đầu từ ngày 12-4.
Động thái này được cho là nhằm nối lại hoạt động huấn luyện thường niên giữa Manila và Washington sau một năm bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19.
Thông báo trên được đưa ra sau khi bộ trưởng quốc phòng hai nước hôm 11-4 đã có cuộc điện đàm để trao đổi về cuộc tập trận, tình hình Biển Đông và những diễn biến an ninh khu vực gần đây.
Một binh sĩ Philippines ra hiệu cho các tàu đổ bộ tại bãi biển Motiong, một phần của Kịch bản Hỗ trợ Nhân đạo và Ứng phó Thảm họa trong cuộc tập trận Balikatan hồi năm 2017. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, không giống các cuộc tập trận trước, cuộc tập trận “Balikatan” (Vai kề vai) năm nay nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng ứng phó của quân đội hai nước trước các mối đe dọa như thiên tai và các cuộc tấn công của các thành phần cực đoan, và sẽ được thu nhỏ về quy mô.
Reuters dẫn lời Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết sẽ chỉ có 1.700 binh sĩ tham gia đợt tập trận, trong đó có 700 lính từ Mỹ và 1.000 lính từ Philippines, không giống như các cuộc tập trận trước đó khi có tới 7.600 binh sĩ.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 11-4 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Theo đó hai vị quan chức đã trao đổi về sự hiện diện gần đây của “tàu dân quân” Trung Quốc tại Biển Đông.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết ông Austin và ông Lorenzana đã trao đổi về tình hình ở Biển Đông và vụ hàng loạt tàu Trung Quốc hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thời gian gần đây.
Theo ông Kirby, ông Austin đã đề xuất với ông Lorenzana một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm “nâng cao việc nhận thức tình hình về các mối đe dọa ở Biển Đông”. Tuy nhiên, ông Kirby không đề cập chi tiết.
Philippines đã phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu, liên tục yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi khu vực.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết đây chỉ là “các tàu đánh cá đang trú ẩn vì biển động” và “không có lực lượng dân quân nào trên tàu”.
Theo Reuters, trong cuộc điện đàm hôm 11-4, ông Austin cũng nhắc lại tầm quan trọng của Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa hai nước, theo một tuyên bố của Bộ trưởng Lorenzana.
Ông Lorenzana cam kết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Đầu năm 2020, ông Duterte đơn phương thông báo sẽ hủy bỏ VFA, khiến thỏa thuận này chỉ kéo dài tới tháng 8-2020. Tuy nhiên, ông đột ngột tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ hai lần (vào tháng 6 và tháng 11-2020), nên thỏa thuận vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8-2021.
Tháng 12-2020, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ tiếp tục hủy bỏ VFA nếu Mỹ không sản xuất ít nhất 20 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Manila.
Ông Duterte hồi tháng 2 đã yêu cầu Mỹ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục thỏa thuận VFA với Philippines.
VFA cung cấp khung pháp lý mà theo đó quân đội Mỹ có thể hoạt động luân phiên ở Philippines. Các chuyên gia cho rằng nếu không có nó, các thỏa thuận quốc phòng song phương khác của hai nước, bao gồm cả Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau (MDT), sẽ không thể được thực hiện.
Mối quan hệ Mỹ-Philippines trở nên phức tạp từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 và thường xuyên đưa ra tuyên bố lên án chính sách đối ngoại của Mỹ trong khi đó "kết thân" với Trung Quốc.