Người Sài Gòn với gian quần áo cũ cho những người có hoàn cảnh khó khăn đến lấy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để rồi người thành phố này hễ thấy chuyện khó coi là lên tiếng góp ý, gặp bất cứ ai khó khăn thì ra tay giúp đỡ mà chẳng cần suy tính.
Nhớ hồi xưa, nhà ở đầu hẻm nên bà ngoại tôi mở cái tiệm tạp hóa để kiếm thêm tiền chợ. Người mua tấp nập nhưng thỉnh thoảng là ngoại bị... cụt vốn vì nhiều người hay mua thiếu, lâu lâu mới trả một lần.
Ngoại hay nói: "Cũng bà con chòm xóm thôi chớ có ai xa lạ. Nhắc tới nhắc lui tội nghiệp người ta, đâu ai muốn mang nợ làm chi, khi nào có thì họ trả liền hà".
Biết một bà cụ trong xóm sống một mình nhiều lúc phải ăn cháo thay cơm, ngoại âm thầm mang gạo qua biếu, có món gì ngon cũng đem qua cho bà mặc dù trong nhà lúc đó cũng thiếu trước hụt sau.
Ngày má tôi mở tiệm may áo dài thì cũng là lúc nhà tôi trở thành nơi sửa quần áo cũ cho bà con trong xóm. Mặc dù việc sửa đồ thu nhập chẳng đáng là bao lại mất thời gian so với may áo dài nhưng với má niềm vui khi giúp đỡ, san sẻ với người khác còn lớn hơn tiền bạc gấp bội. Vải khách may đồ còn dư, má tận dụng từng miếng nhỏ để dành may mền cho chỗ này, chỗ nọ.
Đến lượt thằng em trai tôi thì tánh làm chuyện bao đồng đã được nâng lên một "tầng cao mới", với không ít lần khiến cả nhà phải thót tim vì lo lắng. Có lần nó về nhà với mặt mày bơ phờ, quần áo dính máu làm ba má tôi hốt hoảng không biết chuyện gì.
Thì ra là trên đường về nó gặp một tai nạn nên phụ đưa người bị thương vô bệnh viện. Lần khác nữa, cũng giúp lại người bị tai nạn nhưng lại bị người khác tưởng nó trực tiếp gây ra nên phải lên đồn công an làm tường trình.
Còn tôi, nhớ lần đó giữa trưa nắng, đang lên dốc cầu Phú Mỹ thì chiếc xe chết máy. Xăng còn nhiều, điện còi vẫn còn nhưng xe không thể khởi động được. Tôi đẩy bộ lên đỉnh cầu rồi dựng xe sát lề vừa nghỉ mệt vừa móc điện thoại ra lướt một lát trước khi thả dốc xuống bên kia để tìm chỗ sửa.
Bất ngờ một xe tải tấp lại sát bên, anh tài xế nhảy xuống khuyên tôi nên... suy nghĩ lại và về với gia đình. Tôi ngớ người ra một lúc rồi phì cười cảm ơn anh và giải thích mình bị hư xe chớ không phải lên cầu để tự tử.
Chiếc xe tải vừa rời đi thì lại có vài người đi xe gắn máy tấp lại chỗ tôi với ánh mắt lo lắng y như anh tài xế lúc nãy. Tôi phải giải thích lần nữa rồi quyết định nhanh chóng cho xe thả dốc xuống cầu vì không muốn để người khác lại tốn thời gian vì mình.
Rồi mới đây thôi, một lần tôi có việc phải về muộn khi trời đang mưa trên đường Trần Hưng Đạo. Tôi chợt đâm lo khi nhận ra một chiếc ôtô cứ chạy song song với mình suốt đoạn đường dài.
Mãi đến lúc dừng đèn đỏ ở ngã tư, một thanh niên từ trong xe mở cửa, đội mưa băng qua dãy phân cách nhắc tôi bật đèn xe lên để khỏi bị phạt và người khác có thể tránh. Tôi bối rối đến mức chưa kịp cảm ơn thì anh đã trở lại xe rời đi.
Sài Gòn giữa đêm mưa nhưng lòng tôi chợt thấy ấm áp vô cùng, rồi thầm trách mình sao quá hoài nghi.
Dường như cái vẻ dửng dưng, lạnh lùng bên ngoài của người Sài Gòn là do họ tôn trọng cái tự do, không xía vô chuyện người khác.
Nhưng chỉ cần hú một tiếng thôi là ai nấy cũng đều xúm vô giúp đỡ nhau mà không hề nghĩ đến chuyện thiệt hơn. Ờ thì người thành phố này lạ vậy đó, lo chuyện bao đồng, ăn to nói lớn nhưng lại sống thật lòng. Bởi lẽ giúp đỡ, sẻ chia đã là cốt cách của người Sài Gòn tự bao đời.
Tính đến hết ngày 11-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 600 email gửi đến địa chỉ saigon@tuoitre.com.vn.
Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết. Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 15-4-2021.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TTO - Nội cầu mong mình vẫn khỏe đến ngày nghe con kể chuyện: chuyện của con và chuyện của Sài Gòn - người tình đầu tiên và người yêu cuối cùng của nội.